Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước nhiều lần tăng giá, theo ông nguyên nhân tăng giá là do đâu? Nguyên nhân đầu tiên phải tính đến là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn trên thế giới như ngô, đậu tương... tăng.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất TACN trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu sản xuất, còn lại các doanh nghiệp sản xuất TACN phải nhập khẩu nước ngoài.
Chúng ta cũng chưa sản xuất được những chất phụ gia bổ sung cho TACN công nghiệp... Ngoài ra còn do giá xăng, giá tiêu dùng... tăng trong thời gian qua kéo theo giá TACN cũng tăng.
Nhưng vốn dĩ giá TACN công nghiệp của nước ta đã luôn nằm ở mức cao hơn nhiều nước trên thế giới, trong khi nước ta lại là một nước sản xuất nông nghiệp chiếm đa số?
Giá TACN trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực khoảng 15% đến 20%. Giá cao này là do chi phí cho sản xuất TACN công nghiệp ở nước ta cao hơn các nước khác. Như ở nước ta, quy mô chuồng trại chăn nuôi không nhiều mà chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ dân.
Thử làm phép tính, công vận chuyển TACN cho một trang trại chăn nuôi sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc vận chuyển nhỏ lẻ đến nhiều nơi. Một trang trại chăn nuôi lớn làm hợp đồng với một công ty sản xuất TACN và như thế là họ cứ theo đó vận chuyển TACN từ nơi sản xuất đến mà không cần phải in bao bì giới thiệu sản phẩm, thậm chí không cần đóng bao bì mà chở thô đến vì chất lượng và số lượng đã được thể hiện trong hợp đồng rồi... Như vậy giá thành sẽ giảm xuống bởi nhà sản xuất bỏ được chi phí bao bì, in ấn.
Mặt khác, chúng ta chưa có cảng nước sâu cho tàu lớn vào, phương tiện chuyên chở TACN công nghiệp cũng không có mà chủ yếu dựa vào vận chuyển thủ công nên chi phí vận chuyển cao.
Thêm một lí do mang tính xã hội là tình trạng mãi lộ phí vẫn diễn ra và các doanh nghiệp phải mất thêm một khoản chi phí không đáng có, không còn cách nào khác họ đành tính vào giá bán hàng.
Giải pháp nào để kìm hãm sự tăng giá của TACN công nghiệp thưa ông?
Chúng ta phải có những định hướng mang tính chiến lược dài lâu như đầu tư cầu cảng nước sâu, phương tiện chuyên trở TACN công nghiệp, đầu tư bến bãi, kho dự trữ nguyên liệu... Mà việc này cần phải được xã hội hóa chứ Nhà nước không thể ôm đồm được.
Có đầu tư được cơ sở hạ tầng thì mới giảm đi được chi phí vận chuyển. Phải chú trọng phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm bớt chi phí cũng như sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.
Cục Chăn nuôi đang đưa ra ý kiến với Hiệp hội Chăn nuôi cho mở một sàn giao dịch chuyên về TACN công nghiệp trên mạng. Tại đây, các nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể cập nhật, tham khảo giá nguyên liệu cũng như giá TACN trong nước và trên thế giới để có sự lựa chọn hợp lý.
Vậy các nhà chăn nuôi cần phải làm gì với việc TACN công nghiệp tăng giá hàng ngày để giá thịt không bị kéo lên theo?
Trước hết, tôi khuyên người dân cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi nên tổ chức chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung và gắn với cơ sở sản xuất TACN. Người chăn nuôi phải tính toán để đưa ra khẩu phần thức ăn chuẩn cho từng loại vật nuôi, từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Phải tính đến quy trình chăn nuôi sao cho khoa học, khi vật nuôi đến giai đoạn phá xác thì cần đầu tư cho nhiều thức ăn tinh để tăng trọng nhanh.
Tôi lấy ví dụ, trước năm 2000, nếu 1kg lợn tăng trọng cần từ 3,5 đến 3,8kg thức ăn, đến năm 2002 thì chỉ cần từ 3,2 đến 3,3 kg thức ăn và đến nay, 1kg lợn tăng trọng chỉ cần đến 2,8 kg thức ăn.
Đó là do các nhà sản xuất TACN tính toán đưa ra những thành phần hợp lí các chất vào trong TACN và các nhà chăn nuôi đã biết tính toán hợp lí khẩu phần ăn cho vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng. Nếu làm tốt điều này, khi giá TACN công nghiệp có tăng thì giá thịt sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước hiện đứng trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để không bị thua trên thị trường trong nước?
Chúng tôi mới thống kê, hiện cả nước có 241 nhà máy chế biến TACN, trong đó nước ngoài đầu tư khoảng 35%, còn lại là các nhà máy trong nước.
Tuy vậy, số lượng nhà máy đầu tư ít nhưng công suất của các nhà máy chế biến TACN của nước ngoài lại chiếm tỷ lệ tới 65%, đó là do họ đầu tư những dây chuyền công nghệ tiên tiến. Nếu không chú trọng đầu tư các nhà máy sản xuất TACN trong nước sẽ dần bị mất thị phần ngay ở thị trường trong nước.
Trước hết phải đầu tư về công nghệ dây chuyền sản xuất để tăng công suất. Một số các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước có thể tạo thành một liên doanh, như vậy sẽ trở thành một cơ sở nền tảng tốt.
Thực tế đã cho thấy, từ năm 2006 đến nay đã có nhiều nhà máy sản xuất TACN công nghiệp có công xuất dưới 5tấn/1giờ bị phá sản do không thể cạnh tranh được trên thị trường. Tôi nhắc lại, các doanh nghiệp yếu phải đầu tư mạnh hơn nữa và điều quan trọng là những doanh nghiêp yếu phải liên kết lại.
Theo ông từ nay đến cuối năm 2007, giá TACN công nghiệp có tăng không?
Hiện nay, giá nguyên liệu cho sản xuất TACN như giá ngô đã ổn định, giá đậu tương cũng chỉ tăng đến đó là dừng, giá TACN trên thế giới cũng tăng đến ngưỡng rồi nên từ nay đến cuối năm có thể nói giá TACN sẽ ít biến động, thậm chí không tăng.