Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phỏng vấn Chuyên gia về diễn biến thị trường: HỢP KHÚC PHỨC TẠP KHÓ LƯỜNG
27 | 08 | 2009
Từ đầu tháng 8 đến nay, diễn biến thị trường TACN thế giới và VN liên tục bị cuốn theo nhịp điệu của những cơn "sốt giá" - "hạ nhiệt" và các biến động đầy bất ngờ. Nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thông tin của các Doanh nghiệp ngành hàng nông sản Việt Nam, AGROINFO đã cho ra mắt Bản tin tuần TACN với chiều dài rộng về tính cập nhật các thông tin toàn cảnh và độ lắng trong các dự báo – phân tích sâu sát, kịp thời nhất. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia phân tích ngành hàng Phan Hồng Liên để giúp bạn đọc có cái nhìn chi tiết hơn về tình hình thị trường TACN hiện tại.

>>> Tin liên quan:
* AGROINFO ra mắt Bản tin Thức ăn chăn nuôi tuần: HÒA NHỊP BẰNG DẤU ẤN ĐẶC SẮC
* Bản tin TACN tuần từ 15 - 21/08: ĐỒNG HÀNH DIỄN BIẾN “HẠ NHIỆT” & “SỐT GIÁ”
* Bản tin TACN Tuần từ 08 - 14/08: GIÁ NGUYÊN LIỆU DIỄN BIẾN TRÁI CHIỀU
* Bản tin TACN tuần từ 01 - 07/08/2009: THỊ TRƯỜNG XÁO TRỘN DO DIỄN BIẾN TĂNG GIÁ
* Phỏng vấn Doanh nghiệp: CARGILL – “Đi tắt đón đầu” bằng chiến lược phân phối sản phẩm
* Trung Quốc: “Siết đai” quản lý, giám sát kiểm dịch XNK Thức ăn chăn nuôi


Xin bà khái quát một vài nét chủ yếu của thị trường nguyên liệu TACN thế giới từ đầu tháng 8 đến nay?

Vấn đề này có 2 điểm nổi bật: Trước hết phải nhắc tới diễn biến bất ngờ của giá ngô. Sau khi đột ngột tăng mạnh vào 3 ngày đầu tháng thì mặt hàng này bắt đầu xuống giá khá nhanh và hiện chỉ xoay quanh mốc 330 Uscent/bushel. Việc tăng giá được nhiều nhà phân tích cho rằng do giá dầu thô tăng, đồng USD giảm giá so với hầu hết các ngoại tệ mạnh khác khiến các quỹ hàng hóa dồn mạnh tiền vào thị trường CBOT. Thống kê của CBOT cho thấy trong tuần đầu tháng 8, có những ngày các quỹ tiến hành mua kỷ lục tới xấp xỉ 15.000 hợp đồng. Lực mua quá mạnh khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hàng cục bộ trong khi vẫn có một số lo ngại về việc chính phủ Hoa Kỳ đề cập dự định sẽ tăng sản lượng Ethanol trong báo cáo thường kỳ tháng 5 vừa qua có thể dẫn tới một sự thiếu hụt ngô trong tiêu dùng vào thời gian tới. Tuy nhiên, sau khi tăng liên tục trong 3 ngày, giá ngô CBOT bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi các yếu tố hỗ trợ từ thị trường ngoài như giá đồng USD, giá dầu thô, thị trường chứng khoán… đều đảo chiều ghìm giá xuống. Tính tới tuần cuối tháng 8, giá mặt hàng này vẫn không thể bật tăng lên trên ngưỡng 330 Uscent/bushel.

DIỄN BIẾN GIÁ NGÔ CBOT THÁNG 6 - 8/2009

Thứ hai là sự sốt nóng cao độ trên thị trường bột cá. Chỉ trong vòng 2 tuần sau khi Peru chấm dứt mùa đánh bắt, giá hầu hết các loại bột cá đều tăng 40 – 50 USD/tấn và dễ dàng vượt qua ngưỡng 1000 USD/tấn. Cụ thể, hiện loại bột cá Peru FOB basis 65 pro đang giao dịch ở mức 1050 – 1060 USD/tấn, còn giá loại 67 pro 120 TVN tăng lên 1130 -1140 USD/tấn, chênh tới 40 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 8/2009. Việc giá các loại đều đồng loạt tăng cao được giải thích là do có nhiều nhà đầu tư lo ngại về một lượng cung sẽ rất yếu trong vài tháng tới (hiện lượng bột cá Peru sẵn có trên thị trường tương đối khan hiếm). Để đảm bảo có hàng trong khoảng 1-2 tháng nữa, họ sẵn sàng nâng giá chào mua, nhất là khi thị trường đang tồn tại rất nhiều tin tức xấu ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng khai thác trong vài mùa tới. (Cụ thể, những lo ngại mới về hạn ngạch có thể sẽ được Chính phủ Peru áp dụng trong mùa đánh bắt sắp tới cộng với mối đe dọa trực tiếp từ hiểm họa thiên nhiên Elnino dự kiến sẽ trở lại trong chu kỳ hoạt động của nó vào năm 2010 sẽ ảnh hưởng xấu đến tổng cung bột cá thế giới).

Theo như bà nói thì có thể thấy diễn biến thị trường TACN thế giới đang diễn biến như một bản nhạc có nhiều hợp khúc phức tạp khó lường. Như vậy, những điều này ảnh hưởng đến thị trường trong nước như thế nào?

Việt Nam đang trong vụ thu hoạch ngô lớn nhất năm, tuy nhiên lượng ngô năm nay được dự báo sẽ không đủ cho nhu cầu nội địa và rất có khả năng nhập khẩu ngô các tháng cuối năm sẽ tăng. Việc giá ngô thế giới duy trì ở mức thấp và lượng cung tương đối dồi dào là cơ hội tốt để chúng ta có thể kiểm soát chi phí và giá thành nhập khẩu, tính toán sao cho nguyên liệu đầu vào không tăng giá, nhờ đó bình ổn giá đầu ra của các mặt hàng thành phẩm.

Về thị trường bột cá, sản lượng tự khai thác của Việt Nam phục vụ cho nhu cầu ngành TACN hiện nay chưa cao, do đó chúng ta vẫn phải nhập khẩu phần lớn bột cá và chịu tác động trực tiếp từ thị trường thế giới. Việc giá tăng cao tất nhiên ảnh hưởng bất lợi đến các nhà nhập khẩu của chúng ta. Rất đáng mừng là trong báo cáo thống kê tháng 8 của Bộ NN & PTNT, tình hình đánh bắt cá của cả nước thời gian vừa qua diễn ra khả quan, đặc biệt là tại khu vực duyên hải miền Trung. Sản lượng khai thác của cả nước ước tính đến hết tháng 8 đạt 68,3% chỉ tiêu cả năm, riêng khai thác biển đạt tới 69% chỉ tiêu, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, TQ vừa thông qua các biện pháp quản lý, giám sát việc kiểm dịch - kiểm nghiệm XNK TACN. Bà có thể cho biết những tác động của nó tới tình hình thị trường VN?

Việc Cục quản lý chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) vừa ban hành quy định mới về tiêu chuẩn kiểm định và thời gian kiểm dịch đối với các loại TACN và nguyên liệu TACN xuất nhập khẩu qua nước này. Theo đó, quy định mới này quy định chặt chẽ hơn về 3 điểm: thứ nhất là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và mức độ hiểm họa; thứ hai là quy định về việc cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu TACN sang Trung Quốc và thời hạn hiệu lực của đăng ký cấp phép và thứ ba là chế tài xử phạt đối với từng mức độ vi phạm. Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2009 và chắc chắn sẽ tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu TACN của Việt Nam sang Trung Quốc do hiện nước này là đối tác lớn nhất của chúng ta về xuất khẩu sắn, dong, khoai.

Xin cảm ơn bà về những vấn đề vừa trao đổi!



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường