Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dấu hiệu mới cho nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
07 | 08 | 2009
Mặc dù là một nước nông nghiệp, hàng năm Việt Nam vẫn thường phải nhập khẩu tới trên 1 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó phần lớn là các mặt hàng khô đậu tương bột cá và ngô. 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu các mặt hàng này có những dấu hiệu biến động rất đáng lưu ý về cơ cấu sản phẩm và nguồn cung nhập khẩu, có thể có những ảnh hưởng căn bản đến ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi của Việt Nam.

NHẬP KHẨU TRÊN ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh vào tháng 6, tăng tới trên 58% so với tháng liền kề trước đó. Những tín hiệu tốt từ thị trường tài chính và việc giá thế giới của hầu hết các mặt hàng liên tục giảm kể từ trung tuần tháng 6 khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập hàng. Lượng cung tại các nước sản xuất lớn như Hoa Kỳ, Achentina dồi dào do tình hình thời tiết thuận lợi kết hợp với việc các quỹ liên tục bán ra khiến giá khô đậu tương Ấn Độ hiện chỉ còn 400USD/tấn; giá ngô Chicago hiện tụt xuống mốc 321 Uscent/bushel (tương đương 126 USD/tấn) – lần lượt giảm 14% và 27% so với hồi đầu tháng 5/09. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng này, nhiều khả năng giá chào bán của của doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước sẽ hạ nhiệt sau 2-3 lần liên tục điều chỉnh tăng kể từ đầu năm.

Kim ngạch nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ lực, 2008-2009 (triệu USD)



Nguồn: Tổng cục Hải quan


THAY ĐỔI CƠ CẤU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU

Xét về cơ cấu mặt hàng, có thể nhận thấy 1 sự chuyển biến rõ nét trong tỉ trọng nhập khẩu các mặt hàng TACN trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, nhập khẩu ngô hạt tăng mạnh từ 8% lên 17%, kim ngạch nhập khẩu các loại cám tăng từ 0,13% lên 2,89%, trong khi đó, nhập khẩu khô đậu tương giảm từ 44% xuống còn 42% và dấu hiệu hồi phục chỉ bắt đầu diễn ra kể từ đầu tháng 6.

Cơ cấu các mặt hàng TACN nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2008 Cơ cấu các mặt hàng TACN nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2009



Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ấn Độ - nước xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất sang Việt Nam cũng là nước có mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu khô đậu tương Ân Độ của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước và liên tục lập kỷ lục về mức giảm sâu, từ 54 triệu USD tháng 3/09 xuống còn 22 triệu USD vào tháng 5 và hiện chỉ còn giữ ở mức hơn 9 triệu USD vào tháng 6. Như vậy, đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2007 và nguyên nhân chính được cho rằng lượng cung xuất khẩu của Ấn Độ hiện đang ở mức thấp do tập trung vào nhu cầu nội địa. Theo nhận định của Báo cáo Thị trường Thức ăn chăn nuôi Quý 2 của AGROINFO, xu hướng giảm này sẽ còn tiếp diễn trong các tháng cuối năm, khi mà các đơn hàng nhập khẩu khô đậu tương đang được chuyển hướng rất mạnh sang các đối tác Achentina với mức giá dễ chịu hơn giá chào bán của Ấn Độ.

Kim ngạch nhập khẩu đậu tương của Việt Nam từ Achentina và Ấn Độ, 2008-2009 (triệu USD)



Nguồn: Tổng cục Hải quan

Riêng đối với ngô hạt, nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2009 tăng tương đối mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 57,3%). Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được AGROINFO nhận định là do hiện chưa bước vào mùa thu hoạch lớn nhất trong năm (thường vào thời điểm tháng 8), trong khi đó, giá ngô thế giới hiện xuống rất thấp, đây rất có thể là thời điểm để các doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu thay thế cho nguồn hàng nội địa.

Tương quan giá ngô trong nước và giá ngô thế giới, 2008-2009



Nguồn: Agro.gov.vn và CBOT

ĐA DẠNG HÓA NGUỒN CUNG NHẬP KHẨU

6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ 66 quốc gia, trong khi cùng kỳ năm trước số lượng này là 62 quốc gia. Trong 10 nước xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất vào Việt Nam đầu năm nay phần lớn là các bạn hàng truyền thống, đó là Ấn Độ, Achentina, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Brazin và Indonesia. Tuy nhiên, 4/7 nước này có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu âm sang Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, trong đó giảm mạnh nhất là Thái Lan (giảm 60,07%), tiếp đến là Ấn Độ và Trung Quốc (lần lượt giảm 46,06% và 23,7%. Như vậy, hiện tượng nhập khẩu quá lớn từ một thị trường của Việt Nam đang dần được hạn chế, thay vào đó là việc đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, mở rộng tìm kiếm các đối tác mới như Afganistan, Hungary, Italia…

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu TACN các loại của 10 nước xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam, 2008-2009 (%)



Nguồn: Tổng cục Hải quan

Như vậy, những nét mới về tình hình nhập khẩu ngành hàng TACN có thể đưa ra một vài nhận định như sau: (i), Trước bối cảnh biến động của thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã năng động của trong việc đa dạng hóa nguồn hàng, giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một vài nhà cung cấp lớn và (ii), xa hơn nữa với việc nhập khẩu từ các nước có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sự phát triển của ngành chăn nuôi.



- Phan Hồng Liên
Báo cáo phân tích thị trường