Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý mía đường Ấn Độ
25 | 08 | 2009
Sự bất cập trong chính sách mía đường đã làm nông dân Ấn Độ khốn đốn khi giá đường thế giới tăng vọt.

Sự bất cập trong chính sách mía đường đã làm nông dân Ấn Độ khốn đốn khi giá đường thế giới tăng vọt.













Gia đình ông Sanjay Gujar đã trồng mía nhiều thế hệ. Nhưng năm ngoái, khi giá đường giảm hơn 40%, ông đã chuyển cánh đồng mía rộng 6 mẫu sang trồng chuối. Năm nay, khi ông Gujar và hàng ngàn nông dân Ấn Độ đã chặt bỏ cây mía thì giá đường tăng mạnh.

Giá đường tinh chế trên thị trường quốc tế đã tăng 60% kể từ cuối năm ngoái, lên 0,51 đô la Mỹ một ki lô gam ngay cả khi các loại thực phẩm khác ổn định hoặc giảm. Dù mọi loại hàng hóa đều tăng giảm theo chu kỳ, nhưng mía đường ở Ấn Độ là trường hợp điển hình về sự dao động từ dư thừa sang khan hiếm, cứ mỗi hai hoặc ba năm được mùa thì đến năm mất mùa.

Từ nước xuất khẩu biến thành nước nhập khẩu

Theo một số nhà phân tích, sự biến động này ngày càng trầm trọng do Chính phủ Ấn Độ cố gắng kiểm soát giá để cân bằng lợi ích của nông dân và người tiêu dùng. Chẳng hạn khi giá đường tăng, các nhà hoạch định chính sách lại hạn chế xuất khẩu và dẫn đến dư thừa; để rồi khi chính phủ đảo ngược chính sách và trợ cấp xuất khẩu thì nông dân đã chuyển sang loại cây trồng khác.

Ông M. R. Desai, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các nhà máy đường, nhận xét: “Đường là một mặt hàng chính trị mà chính phủ chưa muốn buông ra”.

Các nhà kinh tế nói rằng biện pháp điều hành thị trường đường của Ấn Độ là một ví dụ cho thấy các chính sách lấy lòng dân có thể gây tác hại cho chính những người mà các chính sách muốn giúp đỡ: nông dân và những nghèo ở nông thôn. 

Năm nay Ấn Độ phải nhập khẩu khoảng 20-30% lượng đường tiêu thụ dù chỉ mới hai năm trước, nước này xuất khẩu 20% lượng đường làm ra.

Để hiểu vấn đề đường của Ấn Độ, các quan chức trong ngành công nghiệp này cho rằng điều quan trọng là phải xem xét những gì đã xảy ra trong năm 2006 khi chính phủ cấm xuất khẩu để kéo giá đường trong nước xuống. Chỉ trong vài tháng, giá đường bắt đầu hạ vì người ta thấy nông dân đã trồng quá nhiều mía. Nông dân cho rằng tình hình trong năm 2007 và 2008 là quá tồi tệ đến nỗi các nhà máy đường không thèm cử người đến nông trại để mua mía. Nhiều nông dân, trong đó có gia đình ông Gujar phải đốt bỏ mía ngay trên đồng.

Sau đó, chính phủ cố gắng giúp đỡ bằng việc trợ giá cho xuất khẩu. Nhưng đến lúc đó, nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác. Và đó chính là lý do dẫn tới tình trạng thiếu hụt hiện thời. Các nhà phân tích cho rằng, sự tăng giá đường gần đây có thể lôi kéo một số nông dân quay trở lại trồng mía nhưng Ấn Độ sẽ không sản xuất đủ mía đường để đáp ứng nhu cầu nội địa, ít ra là cho tới năm 2011.

Ngoài việc hạn chế hoặc khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát thương mại quốc tế, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ còn quyết định số lượng đường mà một nhà máy có thể bán ra mỗi tháng, ấn định mức giá mía tối thiểu trả cho nông dân và buộc các nhà máy phải dành 10% sản lượng để phân phối đến người nghèo với giá bán thấp hơn giá thị trường. “Chính sách của chính phủ, dù có dụng ý tốt, nhưng dường như càng làm cho tình hình tồi tệ hơn”, ông Samir S. Somaiya, một chủ nhà máy kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, nhận định.

Khó thay đổi chính sách

Một vài quan chức khuyến nghị chính phủ nên giảm sự kiểm soát đối với mặt hàng đường nhưng các chính trị gia không muốn làm điều gì có thể đẩy giá lương thực lên cao.

Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, là một sự tương phản thú vị với Ấn Độ. Đất nước Nam Mỹ này đã tăng năng suất và xuất khẩu đều đặn và hiện đang hưởng lợi từ sự thiếu hụt đường của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Brazil đã sử dụng hơn một nửa lượng mía đường để sản xuất ethanol, khi pha trộn với xăng đã trở thành một loại nhiên liệu mang lại nhiều lợi nhuận. Các nhà máy đường và nông dân ở đây trồng mía trên các cánh đồng rộng hàng ngàn mẫu trong khi nông dân Ấn Độ chỉ canh tác vài mẫu. Việc trồng trọt trên quy mô nhỏ khiến hầu hết nông dân Ấn Độ phải trả nhiều chi phí hơn khi đầu tư vào hệ thống thủy lợi hay cơ giới hóa.

Một vài quan chức ngành nông nghiệp Ấn Độ cho biết họ đang cố gắng làm những gì mà Brazil đã làm ở quy mô nhỏ hơn. Một số nhà máy này đang lắp đặt các xưởng chưng cất để sản xuất ethanol từ mật rỉ, một phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường.Tuy vậy, nhu cầu ethanol để pha vào xăng dầu ở Ấn Độ hiện rất thấp bởi vì xăng dầu được chính phủ trợ giá. Ấn Độ cũng không bắt buộc sử dụng nhiên liệu pha trộn như Brazil và Mỹ.

Các nhà máy đường cũng đang đầu tư vào các nhà máy điện đốt bằng bã mía. Theo ông Rajiv S. Kadapatti, Giám đốc Công ty Jamkhandi Sugars, sở hữu một nhà máy đường ở bang miền Nam Karnataka, điện có thể được bán với giá cao vì Ấn Độ thiếu hụt năng lượng kinh niên.

Ông Gujar, hiện đang lo trồng chuối, hy vọng có thể tiếp tục làm nông thêm một thập niên nữa trước khi ruộng đất của ông bị tiến trình đô thị hóa nuốt chửng. Nhiều người bà con của ông đã từ bỏ việc đồng áng và con cái của họ không còn hứng thú với việc trồng chuối hay trồng mía. “Chúng không phải làm những công việc này. Chúng nó sẽ thay đổi”, ông Gujar nói.

(Theo New York Times)

(Mỹ Hạnh, Thời báo KTSG)



Báo cáo phân tích thị trường