Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Liệu có tránh được tình trạng tranh mua mía nguyên liệu thời điểm cuối vụ?
17 | 08 | 2009
Có tới 60% diện tích sử dụng giống cũ nên năng suất bình quân chỉ đạt 72 tấn/ ha. Dự kiến sản lượng mía trong niên vụ 2009 – 2010 đạt khoảng 3,8 triệu tấn, thấp hơn niên vụ trước 0,8 triệu tấn, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng (tổng công suất 23.000 tấn/ ngày) hoạt động trong thời gian 165 ngày trong năm. Vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng tranh mua mía nguyên liệu trong thời điểm cuối vụ (đầu năm 2010).

Niên vụ mía 2008 – 2009, sản lượng toàn vùng đạt trên 4,6 triệu tấn, cung ứng cho 10 nhà máy hoạt động trong 200 ngày trong năm nhưng đến thời điểm cuối vụ (đầu năm 2009), khi nguồn mía nguyên liệu chỉ còn vài ngàn tấn, đã diễn ra tình trạng tranh mua mía nguyên liệu tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, đẩy giá mía cây lên tới 700.000 đồng/ tấn, gấp đôi giá sàn.

Nhằm tránh tái diễn tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương có diện tích mía lớn phối hợp với các công ty mía đường phân chia vùng nguyên liệu cụ thể theo nguyên tắc ưu tiên cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường nội tỉnh; các nhà máy còn lại tự cân đối nhu cầu về nguyên liệu, đăng ký với UBND các tỉnh có vùng mía chung như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh để các tỉnh phân bổ diện tích mía nguyên liệu cụ thể cho các công ty mua. Cụ thể là các nhà máy mua mía nguyên liệu tại tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh phải đăng ký sản lượng và địa điểm thu mua cụ thể. Cục Chế biến - Thương mại - Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) sẽ phối hợp với các tỉnh để phân chia vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Bộ cũng chỉ đạo tổ chức lại hệ thống thương lái mua mía cho từng nhà máy; giám sát chặt việc mua mía nguyên liệu; ngăn chặn tình trạng thu mua mía ngoài luồng./. 



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường