Đổi thay diện mạo vùng đất đồi gò
Chúng tôi tìm đến trang trại trồng thanh long ở huyện Thạch Thất vào một ngày đầu đông. Chủ trang trại Đỗ Xuân Nhung, người được mệnh danh là "vua liều" một thời của huyện Thạch Thất, đưa chúng tôi thăm những hàng thanh long thẳng tắp trĩu quả và giới thiệu: Thanh long ruột đỏ thuộc họ cây xương rồng nên rất thích hợp với vùng đất đồi, đá sỏi, vì vậy chỉ sau hơn một năm trồng, cây đã cho thu hoạch vụ quả đầu tiên. Thời vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm với 5-6 lứa quả/năm. Theo tính toán của anh Nhung, bình quân mỗi gốc thanh long ruột đỏ từ 5 năm tuổi trở đi cho thu hoạch 20-30 kg/năm. Giá bán loại thanh long này cũng cao hơn loại thanh long vỏ đỏ ruột trắng thường khác (20.000 - 25.000 đồng/kg).
Ưu điểm của trồng thanh long là vốn đầu tư không lớn, chi phí chủ yếu trong 2 năm đầu chỉ khoảng 60 triệu đồng/ha gồm cả tiền giống, phân bón, công chăm sóc, tiền đổ cột bê tông, còn những năm sau hầu như không phải đầu tư, chủ yếu chỉ bón phân và chăm sóc. Anh Nhung nhẩm tính: "Với 2.400 gốc thanh long, trừ chi phí mỗi hécta cho lãi khoảng 120 triệu đồng. Không dám so sánh lợi nhuận với những người kinh doanh buôn bán, nhưng ít có cây gì trong nông nghiệp có thể cho thu nhập cao hơn loại cây này".
Có thể nói, việc đưa cây thanh long ruột đỏ về phát triển trên vùng đất Thạch Thất như một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo vùng đất đồi gò cằn cỗi trước đây. Anh Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, những năm tới, huyện Thạch Thất quy hoạch các xã vùng đồi gò có diện tích không nằm trong quy hoạch của Chính phủ và TP Hà Nội như Cẩm Yên, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên, Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân thành vùng sản xuất thanh long. Từ đó xây dựng thương hiệu và từng bước thay thế diện tích cây khoai, cây sắn giá trị kinh tế thấp. Trong năm 2010, huyện dự kiến trồng 35ha thanh long ruột đỏ ở các xã Kim Quan, Bình Yên, Yên Bình, Cẩm Yên. Sang giai đoạn 2011-2015, huyện tiếp tục mở rộng diện tích lên 50-100ha ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Lại Thượng.
Cần có sự tích tụ ruộng đất cho nông dân
Tuy việc đưa cây thanh long ruột đỏ vào vùng đất đồi gò đã cho hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Mặc dù những năm gần đây huyện Thạch Thất đã tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân đầu tư sản xuất loại cây trồng mới này, nhưng đến nay, ngoài mô hình của gia đình anh Nhung ở xã Kim Quan và mô hình trồng khảo nghiệm tại Trạm Khuyến nông huyện, mới chỉ có thêm 2 hộ gia đình ở xã Bình Yên trồng gần 2ha.
Theo anh Hoàng Chí Lượng, nguyên nhân chính là do các diện tích đất vùng đồi gò của huyện manh mún. Mặt khác, nhiều hộ nông dân có vốn, có kỹ thuật nhưng chưa mạnh dạn khi quyết định đầu tư vào loại cây mới này.
Vừa qua, huyện Thạch Thất đã tổ chức một đoàn cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận để trên cơ sở kết quả nghiên cứu, học tập về vận dụng vào thực hiện dự án trồng cây thanh long ở các xã vùng đồi gò bán sơn địa, vùng núi của huyện - đây là chủ trương đúng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp giai đoạn 2010-2015 của huyện. Tuy vậy, để không gây thua lỗ cho người trồng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần hướng các địa phương đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất thanh long, giúp người dân chuyển đổi đất trồng cây hằng năm sang trồng cây lâu năm và định hướng cho người nông dân phát triển sản xuất, đồng thời có chính sách khuyến khích hỗ trợ vốn vay để từng bước nhân rộng trên địa bàn, giúp nhân dân nâng cao giá trị canh tác.