Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh doanh rau an toàn không phải dễ
07 | 12 | 2009
Nhu cầu rau an toàn (RAT) của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, một thực tế là RAT hiện chỉ đáp ứng một số đối tượng khách hàng. Còn với những khách hàng là bà nội trợ, hộ gia đình thì RAT còn chưa đáp ứng được vì nhu cầu người dân mua thì nhiều nhưng các cửa hàng thật, rởm vẫn lẫn lộn.

Giấy chứng nhận hết hạn, doanh nghiệp vẫn hoạt động?

Trong năm 2007 - 2009, Sở Công Thương TP.Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT (GCN RAT) cho 122 tổ chức, đơn vị, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tính đến ngày 2.12.2009 đã có 103/122 GCN RAT hết hạn.

Trao đổi với đại diện một số hộ kinh doanh, quầy hàng RAT trên địa bàn thành phố được biết: Khi GCN RAT gần hết hạn, các hộ kinh doanh, đơn vị có liên hệ với Sở Công Thương TP.Hà Nội để được đổi GCN RAT thì nhận được thông báo tạm ngừng cấp GCN RAT cho cửa hàng, quầy hàng RAT trên địa bàn TP.Hà Nội. Lý do Sở Công Thương đang hoàn thiện quy trình thủ tục cấp GCN RAT cho cửa hàng, quầy hàng RAT theo quyết định của UBND thành phố.

Khi được hỏi về việc GCN RAT của các hộ, cửa hàng, quầy hàng RAT hết hạn, các quầy hàng, cửa hàng có tiếp tục được hoạt động? -ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.Hà Nội cho biết: "Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh theo GCN RAT cấp theo Quyết định số 130/2004/QĐ-UBND, ngày 20.8.2004 của UBND thành phố đến thời hạn gia hạn tiếp tục được hoạt động cho đến khi sở ban hành quy trình hướng dẫn theo Quyết định 104/2009/QĐ-UBND, ngày 24.9.2009 của UBND thành phố...".

Hàng rởm đa dạng, hàng thật nghèo nàn

Khảo sát tại 2 trong số 45 cơ sở sơ chế, sản xuất RAT trên địa bàn thành phố cho thấy: Cơ sở chế biến RAT nhỏ nhất của huyện Thanh Trì mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 140kg RAT và cơ sở sản xuất, chế biến RAT quận Hoàng Mai mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn RAT các loại. Tuy nhiên, chỉ 1/10 khối lượng RAT này được các cửa hàng RAT đăng ký mua, còn phần lớn các cơ sở này bán cho bếp ăn tập thể, trường học.

Thực tế cho thấy, tại siêu thị Intimex, Fivimart, Trung tâm thương mại Vân Hồ, siêu thị Cầu Giấy... lượng RAT nhập về không nhiều nhưng cũng có ngày lượng RAT tiêu thụ rất ít. Tại cửa hàng Công ty giống rau quả (số 2 Phạm Ngọc Thạch) và số 5 Ngô Thì Nhậm chủng loại rau ít, số lượng RAT không nhiều. Đây cũng là hiện tượng chung của các cửa hàng kinh doanh RAT thật trên địa bàn thành phố.

Tại cửa hàng kinh doanh RAT ngay đầu chợ cóc Hồ Đắc Di (không có tên trong danh sách các hộ, quầy, cửa hàng kinh doanh RAT), chủng loại rau rất phong phú. Theo chủ một quầy hàng tại đây, trung bình mỗi ngày, quầy nhập khoảng hơn 30 loại rau, củ, quả an toàn các loại từ HTX Vân Nội (Đông Anh). Hai quầy hàng này hầu như ngày nào cũng bán hết rau xanh các loại. Một trong những kiốt kinh doanh RAT tại chợ Láng thì mức tiêu thụ mỗi ngày cũng tới tạ rau với hơn 20 chủng loại.

Một số người tiêu dùng được hỏi đều có chung câu trả lời: Rất muốn mua được RAT nhưng cứ phải vào siêu thị, trung tâm thương mại thì không tiện, mà mua tại chợ thì khó phân biệt RAT với rau không an toàn. Phần lớn mua RAT bằng niềm tin chứ không có cách nhận biết. Có lẽ đây cũng là lý do mà kinh doanh RAT thật khó phát triển khi mà đầu tư nhiều, rủi ro cao và chưa có cách nhận biết rõ ràng cho người tiêu dùng.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường