Tới thăm vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh Hoàng Tiến Thuận, cụm 11, xóm An Thịnh, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, hàng nghìn khóm chuối dập dìu những buồng quả đều tăm tắp, hàng nối hàng như trong khu trưng bày triển lãm. Anh Thuận hồ hởi khoe: chỉ một tháng nữa là gia đình anh thu hoạch để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Quả ngọt ven sông
Năm 2006, khi đang học Đại học Nông nghiệp ở Gia Lâm, anh Thuận có dịp đến huyện Khoái Châu, Hưng Yên thăm quan mô hình trồng chuối tiêu hồng. Lạc trong những vườn chuối, anh nhận thấy người dân ở đây trồng loại cây này nhiều như quê anh trồng ngô vậy. Chuối tiêu khi chín thường hay bị nhũn quả, rất khó vận chuyển. Thế mà những nải chuối ở đây cứ nối đuôi nhau theo xe chở đi các nơi. Màu sắc, vị ngọt và hương thơm khác hẳn. Ý định mang giống chuối này về quê mình cũng nhen nhóm trong anh từ lúc đó.
Sau khi nghỉ công tác Bí thư Đoàn xã Thọ An, anh quyết định tới Viện nghiên cứu Rau quả để đặt hàng 600 cây giống. Mang về nhà, anh trồng một nửa, nửa còn lại anh vận động người bạn có ruộng ven sông Hồng cùng trồng với mình. Nhờ nắm bắt và áp dụng đúng kỹ thuật, cuối năm 2007, anh thu 300 buồng chuối và bán với giá 50 nghìn đồng mỗi buồng. Trừ chi phí, anh có thêm tiền để đầu tư mua ruộng, mở rộng diện tích.Nhiều hộ dân sau khi được xem cây, thử quả cũng bắt đầu tìm đến anh Thuận để mua cây giống về trồng. Đến nay, toàn xã Thọ An đã có hơn 200 hộ trồng chuối tiêu hồng với diện tích vào khoảng 20 mẫu. Riêng gia đình anh Thuận có 3,5 mẫu với 3.500 cây chuối, mỗi năm cho thu gần 3.000 buồng. Anh Thuận còn trở thành đầu mối cung cấp giống chuối tiêu hồng cho các vùng lân cận với hơn vạn cây mỗi năm.
Anh cho biết, không như các giống chuối khác, chuối tiêu hồng khi chín có màu vàng sáng, thịt quả rắn nên cầm rất chắc tay, trọng lượng mỗi buồng trung bình dao động từ 40 – 45 kg. Từng quả chuối lại được bao bọc bởi lớp vỏ dày nên rất dễ dàng vận chuyển đi xa. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh không quên cắt những nải chuối chín vàng rộm mời khách ăn thử rồi mang về làm quà.
Dần hình thành vùng chuối chuyên canh
Theo anh Thuận, ngoài vẻ đẹp và vị thơm ngon, chuối tiêu hồng còn hơn hẳn những cây cùng loại về giá trị kinh tế. Cụ thể, một sào chuối tây trồng được 60 gốc; sau 15 tháng cho thu khoảng 40 buồng. Nhưng sang năm thứ hai chỉ còn khoảng 30 buồng do chuối này hay bị lụi đi. Trong khi chuối tiêu hồng một sào trồng được từ 90 – 100 gốc. Hơn nữa, chuối tiêu hồng hiện nay là chuối nuôi cấy mô, được nhân giống bằng phương pháp vô tính nên khả năng kháng bệnh tốt, có độ đồng đều cao. Nếu được trồng đúng kỹ thuật, bảo đảm từ kích thước hố trồng đến mật độ và khoảng cách giữa các hàng cây thì chuối càng cho năng suất cao. Không chỉ người dân xã Thọ An, nhiều hộ ở các vùng lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, thậm chí là tỉnh Hòa Bình cũng đang lựa chọn chuối tiêu hồng cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo ông Hoàng Cát Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An, chuối tiêu hồng phát triển nhanh do Thọ An và các địa phương trên có đất canh tác là đất thịt nhẹ, đặc biệt có những vùng đất nhiều phù sa ven sông Hồng, sông Đáy. Đây là những loại đất rất phù hợp để chuối tiêu hồng phát triển. Ông Trí nhẩm tính, trung bình mỗi sào chuối cho thu khoảng 10 triệu đồng/năm, người trồng chỉ phải trả chi phí đầu tư khoảng 30% nên thu nhập cao hơnnhiều so với trồng lúa. Hiện nay, giá một buồng chuối từ 50 – 100 nghìn đồng. Ông Trí cho rằng, nếu quảng bá tốt thì người trồng chuối có thể thu nhập cao hơn nữa. Ông Trí cũng tin tưởng rằng, Thọ An và các địa phương lân cận sẽ sớm hình thành những vùng chuối tiêu hồng có tiếng như những thương hiệu rau quả đã có, vừa giúp người dân làm giàu, vừa góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.