Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh long, bưởi xuất khẩu tăng giá trở lại
25 | 12 | 2009
Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu như thanh long, bưởi bị rớt giá mạnh trong vài tháng gần đây đang trên đà tăng giá trở lại. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng theo nhà xuất khẩu, chủ yếu do diễn tiến từ thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), cho biết giá bưởi Năm Roi mua tại vườn đang ở mức 7.000 đồng/kg, so với tháng 11 giá bưởi loại 1 chỉ có 3.000-4.000 đồng/kg.  

Nguyên nhân khiến giá bưởi tăng giảm mạnh như vậy, theo ông là do bưởi Năm Roi xuất sang các nước châu Âu bị lấn át bởi bưởi có xuất xứ từ Trung Quốc, có giá thấp hơn và có bề ngoài bắt mắt hơn bưởi Việt Nam. Sau khi bưởi từ Trung Quốc ít trở lại do đã hết mùa, thì giá bưởi Việt Nam mới có thể nhích lên.  


Hiện nay, trung bình mỗi tháng Hợp tác xã Mỹ Hòa xuất khoảng 4 container bưởi (mỗi container gần 18 tấn bưởi) sang châu Âu, chủ yếu là Đức, Pháp, Hà Lan... Ông Sang cho biết, mặc dù gần 1 tháng qua, giá bưởi tụt mạnh nhưng vẫn phải chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì lượng hàng xuất đi.  

Riêng đối với thanh long, tháng 11 vừa rồi chứng kiến sự rớt giá mạnh nhất trong vòng nhiều năm qua, khi từ 12.000-13.000 đồng/kg vào tháng 10 rớt xuống còn chưa đến 4.000/kg vào tháng 11.  

Theo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long, sở dĩ có tình trạng trên là do bị Trung Quốc ép giá. Tháng vừa rồi, thương lái Trung Quốc lấy lý do thời tiết xấu, không vận chuyển được nên ngưng mua thanh long, khiến đoàn xe chở thanh long từ Việt Nam dồn ứ dài ngày tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Lúc này, nhiều doanh nghiệp không chịu nổi chi phí bảo quản, chi phí vận chuyển nên phải đổ bỏ hàng chục tấn hoặc phải bán với giá rẻ mạt, chưa đến 4.000 đồng/kg. Trong khi thanh long nghịch vụ muốn có lãi, theo doanh nghiệp này thì phải bán từ 6.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, hiện tại thanh long đang tăng giá trở lại.

Trung Quốc hiện chiếm đến 70% lượng tiêu thụ thanh long Bình Thuận nhưng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. "Rất khó để thay đổi cách thức mua bán hiện nay của thương nhân 2 nước, vì thế hiệp hội đã đề xuất thành lập một cơ quan trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, chuyên trách theo dõi biến động của thị trường Trung Quốc nhằm tránh những trường hợp tương tự xảy ra sau này", ông Yên cho biết.



Theo TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường