Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam kêu cứu
14 | 01 | 2010
Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam (VRG) - 1 trong 8 tập đoàn kinh tế lớn cả nước - cho rằng, việc hải quan các cửa khẩu đòi hóa đơn (liên 3) mới cho xuất hàng sẽ gây ách tắc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu caosu.

Điều đó đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm nghiêm trọng.

Chính ngạch cũng khốn khổ

Căn cứ theo các thông tư 79/2009, 120/2002 của Bộ Tài chính và công văn 7222 ngày 27.11.2009 của Tổng cục Hải quan, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TPHCM) đã gửi thông báo đến hàng loạt DN xuất khẩu cho hay: Sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ đối với hàng xuất khẩu kinh doanh thương mại nếu DN xuất trình thiếu chứng từ, đặc biệt là hóa đơn GTGT liên 3 và phải là bản chính. Điều này đồng nghĩa, bản photo hóa đơn liên 3 cũng miễn xuất hàng hóa đi.

Ông Đinh Vạn Tiến (Trưởng ban Xuất - nhập khẩu VRG) - bức xúc cho hay, thủ tục này của hải quan sẽ gây trở ngại rất lớn, ảnh hưởng đến xuất khẩu đối với các DN có trụ sở chính ở quá xa cửa khẩu, nơi xuất hàng nhưng lại thường xuyên lưu hàng nơi cửa khẩu.
Quy định về hóa đơn GTGT có 3 liên: Liên 1 (màu tím) để lưu, liên 2 (màu đỏ) để giao khách hàng và liên 3 (màu xanh) để lưu nội bộ của DN bán hàng.

VRG cho hay, tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên chủ yếu có trụ sở chính tại TPHCM, miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên không thể nào có ngay được bản chính hóa đơn liên 3 xuất trình hải quan nơi cửa khẩu xuất hàng, mà phải mất ít nhất 3-5 ngày (tùy địa điểm) nếu chuyển phát nhanh.

Với xuất khẩu chính ngạch, việc ngừng giao hàng để chờ hóa đơn đến mà trình hải quan, đồng nghĩa với việc DN xuất phải mất thêm phí lưu kho. Còn chủ phương tiện vận chuyển bị ảnh hưởng đến tiến độ xếp hàng và phải tốn kém không ít khi lưu tàu tại cảng. Năm 2009, khoảng 400.000 tấn caosu Việt Nam xuất khẩu qua kiểm soát của Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4.

Mậu biên càng bị bóp nghẹt

Năm 2009, cả nước xuất khẩu 680.000 tấn caosu, đạt kim ngạch 1,2 tỉ USD. Theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, tỉ lệ caosu Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường mậu biên chiếm đến gần 50% tổng sản lượng - chủ yếu qua cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai... Trong đó, VRG chiếm trên 100.000 tấn, chưa kể các thành viên trực thuộc.

Thế nên, theo VRG, khi xuất hàng qua các cửa khẩu đường bộ tại biên giới phía bắc (xuất mậu biên) thì việc hải quan đòi hỏi bản chính hóa đơn liên 3 sẽ gây khốn khổ hơn cho DN. Bởi lâu nay, việc bán caosu mậu biên chỉ được thực hiện khi hàng được đem ra đến nơi để người mua “thực mục sở thị”. Người mua thường yêu cầu giao hàng ngay sau khi đã thỏa thuận xong giá cả. Trong khi đó, hóa đơn GTGT chỉ được xuất khi đã thỏa thuận xong giá và phải do giám đốc DN ký tên, đóng dấu.

“Với việc mua bán nhanh trong ngày, thậm chí trong một tiếng đồng hồ ở biên giới, nếu đáp ứng yêu cầu của hải quan thì có lẽ tất cả các giám đốc DN caosu có hàng xuất ở đây nên dời trụ sở về đây luôn và nhớ cầm theo con dấu để  túc trực đóng... bất kể giờ nào!”. Một DN caosu kêu trời!  Còn nếu chờ hóa đơn liên 3 ở xa đến nơi, ngoài việc mất thêm phí lưu kho, DN xuất khẩu mậu biên còn có thể mất đi cơ hội kinh doanh khi người mua không chấp nhận giao hàng chậm.

Ông Đinh Vạn Tiến khẳng định, không chỉ hải quan TPHCM áp dụng quy định này mà cả nước. Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 có văn bản thông báo còn đỡ, chứ hải quan khu vực Móng Cái chỉ ... nói miệng với DN. Bởi nguyên nhân trên, nên việc xuất khẩu caosu của VRG và các đơn vị thành viên hiện ách tắc và bị động. Hiện VRG có 37 quốc gia tiêu thụ sản phẩm caosu... Năm 2009, tổng doanh thu VRG đạt 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 4.000 tỉ đồng.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường