Mỹ vừa gửi thông báo lên WTO về 8 doanh nghiệp Việt Nam mà nước này cho rằng nên được đăng ký là các doanh nghiệp nhà nước đang giao dịch trên thị trường quốc tế theo quy tắc thương mại toàn cầu, theo một văn bản Mỹ gửi lên WTO. Phía Mỹ cho biết trước đó, nước này cũng đã liên tục gửi văn bản lên WTO “thay mặt” Việt Nam theo quy trình gọi là “thông báo phản hồi” do Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ thông báo này.Trước đó, chính phủ Mỹ cũng thực hiện các động thái tương tự để đánh dấu các công ty Trung Quốc mà Mỹ nghi ngờ đang cạnh tranh không công bằng nhờ các mối quan hệ với chính phủ. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer kêu gọi tăng cường minh bạch tại WTO.
Mỹ liệt kê các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam bao gồm PetroVietnam và các công ty con, cũng như công ty chuyên nhập khẩu xăng dầu Petrolimex và nhà cung ứng xăng dầu hàng không Vietnam Air Petrol Company (Vinapco/SKYPEC), vào danh sách các doanh nghiệp mà Việt Nam nên công bố thông tin theo các quy định của WTO về doanh nghiệp nhà nước giao dịch trên thị trường quốc tế. Danh sách cũng bao gồm Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc (Vinafood I và Vinafood II), Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn và tập đoàn khoáng sản Vietnam National Coal and Mineral Industries Group (Vinacomin).
Việt Nam chính thức tham gia WTO 11 năm trước, vào ngày 11/1/2007, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Việt Nam đã có các văn bản công bố thông tin trước WTO về hai doanh nghiệp nhà nước vào tháng 4/2016, khiến Mỹ chú ý và hỏi về các công ty khác.
Tháng 10/2017, Việt Nam phản hồi và cho biết hầu hết các doanh nghiệp nhà nước khác đều đang được cổ phần hóa và hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ các đặc quyền đặc lợi trước đây. “Ngay sau phản hồi của Việt Nam, các nghiên cứu độc lập về Việt Nam của Mỹ cho rằng dựa vào các thông tin công bố đại chúng, có vẻ các doanh nghiệp này không đủ điều kiện để được xác định là STEs”, phía Mỹ phản hồi.
Việt Nam đang tư nhân hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, một phần bởi nhu cầu tài chính để trang trải thâm hụt ngân sách và nợ công tăng nhanh, nhưng tiến trình rất chậm. Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa và bắt đầu năm 2018 với thông báo sẽ cổ phần hóa gần một nửa Vinafood II, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, gây vốn khoảng 100 triệu USD trong vòng 3 tháng.
Theo Reuters (gappingworld.com)