Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hãm nguồn cung cà phê để kéo giá lên
15 | 03 | 2010
Chính phủ đã đồng ý giao Tổng công ty Cà phê quản lý nguồn tiền hỗ trợ 6% lãi suất trong vòng sáu tháng trữ 200.000 tấn cà phê niên vụ 2009 – 2010.

Trên cơ sở đó, hiệp hội Càphê cacao Việt Nam (Vicofa) sẽ chọn ra những doanh nghiệp có năng lực để ngân hàng rót vốn mua càphê dự trữ. Kế hoạch mua vào bắt đầu từ 15.3 đến 15.9 tới, với mức giá trung bình 23.000 đồng/kg trở lên đối với càphê robusta loại 2.

Hợp tác hành động

Từ đầu năm 2010, giá càphê thế giới liên tục biến động theo chiều giảm khá mạnh, nhất là vào các tuần cuối tháng 2 vừa qua. Tại sàn giao dịch càphê London, giá càphê robusta ngày 22.2 còn ở mức 1.290 USD/tấn, nhưng chưa đầy một tuần sau đó rơi xuống 1.210 USD, và giá hiện nay chỉ còn 1.200 USD/tấn.

Giá thế giới ảnh hưởng đến giá nội địa. Đến những ngày đầu tháng 3 này, càphê robusta giao tại cảng TP.HCM chỉ còn 1.130 USD/tấn. Giá càphê nguyên liệu nông dân bán ra cũng giảm trên 2.000 đồng so với hồi đầu vụ, còn khoảng 22.300 đồng/kg.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến đà tụt giảm giá càphê thế giới là trong một thời điểm ngắn thị trường bán ra quá nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, phương thức bán hàng trừ lùi, giao hàng quá xa cũng dễ tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ ép giá.

Để hạn chế bớt nguồn cung ra thị trường, theo Vicofa, chỉ còn cách yêu cầu doanh nghiệp mua tạm trữ chờ giá lên mới tung ra bán. Như vậy, với sản lượng gần một triệu tấn niên vụ 2009 – 2010, hai tháng đầu năm nay doanh nghiệp xuất khẩu 200.000 tấn/500.000 tấn đã ký hợp đồng, số càphê còn lại trong dân và doanh nghiệp còn khoảng 500.000 tấn và theo phương án sẽ trữ lại một phần trong số này.

Cũng giống như gạo, việc giữ càphê lại là một liệu pháp can thiệp vào thị trường, có thể sẽ tác động mạnh đến tâm lý người sản xuất, người bán và người mua hàng. Ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Vicofa nhận định: “Thị trường càphê thế giới sẽ ổn định trở lại sau thông tin Việt Nam trữ càphê”. Bởi theo ông, ngay sau khi doanh nghiệp mua trữ, kế hoạch xuất khẩu các tháng tới đây sẽ phải cân đối lại theo hướng hạn chế bán ồ ạt ra như trước đây. Biện pháp này sẽ tác động đến nguồn cung càphê giao dịch trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, hai nước xuất khẩu càphê hàng đầu và thứ ba thế giới là Brazil, Indonesia dự kiến cũng sẽ có biện pháp can thiệp vào thị trường giống như cách mà Việt Nam làm. Ông Nam tiết lộ hiệp hội Càphê hai nước nói trên đã có những tiếp xúc đầu tiên với Vicofa và quan điểm chung của họ là “ủng hộ việc cắt giảm nguồn cung càphê để kéo giá lên”.

Dân đã “tạm trữ” trước

Khi thông tin mua càphê tạm trữ phát đi phần nào giúp người bán vững tin hơn vào thị trường. “Họ không vội bán ồ ạt càphê ra như trước đây”, ông Nam nhận định. Từ huyện Dăk Đoa – Gia Lai, ông Phùng Thế Hoát, người còn nắm giữ tám tấn càphê robusta khẳng định sẽ không bán càphê ra vào lúc này, bởi giá hiện nay đã xuống quá thấp, không tương xứng với chi phí đầu tư.

“Có khoảng 60 – 65% đại lý thu mua càphê tại Tây Nguyên đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Chính họ mới có đủ tiềm lực, đủ vốn mua trữ càphê chứ nông dân vẫn bị tác động từ thông tin thị trường. Tâm lý lo ngại trượt giá nên đã bán ngay từ đầu vụ hoặc phải đem đi gửi”, ông Năm Huy, đại lý thu mua càphê đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn ở Gia Lai nói.

Chính vì vậy, theo ông Trần Văn Đính, giám đốc công ty càphê 331-Gia Lai, vào thời điểm này chưa chắc những doanh nghiệp nhận tiền hỗ trợ đã mua được càphê của dân. Nhưng biện pháp mua tạm trữ vẫn phải tiến hành, vì như thế sẽ tác động đến mặt bằng chung của thị trường càphê, đà giảm giá có thể sẽ bị chặn lại, có lợi cho người trồng.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường