Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thuỷ sản vẫn khó
17 | 03 | 2010
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản có tín hiệu lạc quan khi đạt giá trị 682 triệu USD, tăng tới 41% so với cùng kỳ 2009. Tính chung cả năm 2010, ngành thuỷ sản đặt mục tiêu mang về 4,5 tỉ đôla, tăng 7,1% so với năm ngoái. Thế nhưng, Agromonitor cho rằng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam 2010, sẽ khó đạt kỳ vọng tăng trưởng do kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, tiêu dùng suy giảm, xu hướng tiết kiệm phổ biến…

Đầu vào cao, thiếu nguyên liệu

Ông Trần Thiện Lĩnh, giám đốc công ty thuỷ sản Thuận Phước – Đà Nẵng nêu lên hàng loạt phát sinh mà doanh nghiệp thuỷ sản phải gánh ngay từ đầu năm nay như phải vay vốn giá cao, cước vận tải biển, điện, nước, xăng dầu, lương công nhân… tăng mạnh.

“Những khoản vay vốn lãi suất cao năm nay sẽ là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng nhiều nhất. Nếu như trong năm 2009, doanh nghiệp chỉ phải vay mức lãi suất trung bình 0,53%/tháng (được khấu trừ 4% lãi suất hỗ trợ ngắn hạn) thì năm nay, ngay thời điểm này lãi suất đã 1,6 – 1,7%/tháng”, ông Lĩnh nói. Còn một số chi phí còn lại, theo ông Lĩnh, ít nhất cũng làm đội giá thành sản phẩm lên 4 – 5%.

Bên cạnh là mối lo về khan hiếm nguyên liệu. Ông Lê Văn Quang, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phẩn thuỷ hải sản Minh Phú cho biết, do không có tôm nguyên liệu nên hai tháng đầu năm nhà máy chỉ chạy cầm chừng để nuôi công nhân”.

Tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Bạc Liêu Nguyễn Thanh Đạm cho biết, đơn hàng tôm sú năm nay dự kiến khoảng 12 triệu USD nhưng mới chuẩn bị được 80% nguyên liệu. “Do chất lượng con giống kém, tỷ lệ chết cao, tôm tăng trưởng chậm, kỹ thuật nuôi chưa tốt...”, ông Quang nêu vấn đề.

Đối mặt khó khăn

Theo kế hoạch, mặt hàng cá tra dự kiến mang về 1,5 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), tại An Giang, giá thành nuôi cá tra là 13.400 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ có 13.250 đồng. Chính vì vậy, diện tích, mật độ nuôi cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2009 đã giảm tới 30 – 40%. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nhận định tình trạng bỏ nuôi sẽ tái diễn trong năm 2010, và dự báo tỷ lệ sẽ tăng lên 50 – 60%. Không có nguyên liệu, các nhà máy chỉ chạy 30 – 40% công suất.

Thị trường cá tra philê tại EU, Mỹ, Nga và nhiều nơi khác hiện giá đứng ở mức 1,7 – 2,9 USD/kg như năm rồi chứ không tăng, nên không thể nâng giá mua nguyên liệu. Ngoài yếu tố sức mua, thuỷ sản Việt Nam còn đối mặt với nhiều rào cản thương mại như cá tra, cá basa có thể sẽ bị định nghĩa lại là catfish tại Mỹ; xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào thị trường EU sẽ trở nên khó khăn hơn khi quy định IUU bắt đầu đi vào thực tiễn từ năm 2010.



Theo SGTT Online
Báo cáo phân tích thị trường