PV: Theo dự báo hồi đầu năm thì 2010 được nhận định là “năm Vàng” của các nước xuất khẩu gạo, trong đó có VN. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, XK gạo đã giảm cả về số lượng và giá cả. Ông có thể cho biết cụ thể về những con số này và theo ông thì nguyên nhân cơ bản do đâu dẫn đến tình trạng này ?
Theo số liệu thống kê của TCHQ, tính đến ngày 28/5, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,58 triệu tấn, trị giá 1.182 triệu USD. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam xuất được hơn 3 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2009, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị sụt giảm khoảng 12% về khối lượng và xấp xỉ 30% về giá trị.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm 2010 đến nay. Nếu như giá gạo loại 5% tại thời điểm tháng 12/2009 là 517 USD thì đến tháng 5 đã giảm xuống còn 358 USD/tấn (giảm 30,75%); giá gạo loại 25% tấm tại thời điểm tháng 12/2009 là 466 USD đã giảm xuống còn 335 USD/tấn tại thời điểm tháng 5 (giảm 28,11%). Giá gạo trong tháng 6 này tuy có nhích lên đôi chút, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm (gạo 5% tấm: 373 USD/tấn; gạo 25% tấm 340 USD/tấn).
PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Thứ nhất, dự báo sai lệch: Cuối năm 2009, trước thông tin Ấn Độ, Indonesia bị mất mùa và hiện tượng El nino có thể xảy ra ở nhiều nước trồng lúa, giới truyền thông đã dẫn lời nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng năm 2010 là một năm cung thấp hơn cầu về lúa gạo. Tuy nhiên, diễn biến thị trường gạo thế giới 6 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình diễn ra hoàn toàn ngược lại (so với dự báo). Ấn Độ tuy bị mất mùa vụ Kha rif, nhưng sản lượng sụt giảm thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Indonesia đang cân nhắc khả năng tham gia thị trường xuất khẩu gạo, mặc dù trước đó họ đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thái Lan và Việt Nam đang tồn đọng gạo xuất khẩu với khối lượng lớn.
Thứ hai, hợp đồng giao hàng 6 tháng đầu năm chủ yếu là hợp đồng chính phủ và việc triển khai gặp khó khăn do đối tác trì hoãn giao nhận hàng cũng như tạm ngưng triển khai đấu thầu các hợp đồng mới khi có thông tin sản lượng gạo đã tăng lên sau vụ đông xuân ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Hợp đồng thương mại cũng khó triển khai do trên thị trường có thêm sự tham gia của Bangladesh, Myanma cạnh tranh trực tiếp đối với dòng sản phẩm gạo chất lượng thấp và trung bình của Việt Nam.
PV: Dự báo về khả năng nhập khẩu gạo của thị trường thế giới và cơ hội cho VN trong 6 tháng cuối năm sẽ như thế nào ?
Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, vụ lúa Rabi (hè thu) của nước này dự kiến đạt sản lượng cao hơn năm ngoái (14.7 triệu tấn), cùng với con số thiệt hại thấp hơn dự báo của vụ Kha rif trước đó, Ấn Độ nhiều khả năng không thuộc danh sách nhập khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Cơ quan quản lý gạo của Indonesia (Bulog) cho biết, sản lượng gạo nước này năm 2010 chỉ tăng 3%, thấp hơn tốc độ tăng 5% năm 2009 (đạt 40 triệu tấn); và đến thời điểm hiện nay, indonesia cũng chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ El Nino; nên nhiều khả năng Indonesia sẽ tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra dự báo khá lạc quan về sản xuất gạo toàn cầu, theo báo cáo mới công bố trong tháng 6, sản lượng gạo niên vụ 2010/11 sẽ tăng 4% so với niên vụ 2009/10. Thương mại gạo toàn cầu được dự báo là sẽ tăng và đạt mức 31,4 triệu tấn.
Hiện tại, Việt Nam và Thái Lan đang còn tồn đọng một lượng gạo xuất khẩu khá lớn, sức ép về cung là rất lớn, nên nhiều khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục hạ xuống.
Theo thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tìm cách tiếp cận thị trường Brazil và nam Mỹ. Nếu khai thông được thị trường này thì tình hình xuất khẩu gạo của Việt nam từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đây là một thị trường hoàn toàn mới, thị hiếu của người tiêu dùng ở các thị trường này cũng chưa rõ ràng, nên khả năng thành công cũng chưa thể dự đoán trước được. Thị trường khu vực Trung Đông và Châu Phi tiêu dùng gạo đồ và các loại gạo Basmati là chủ yếu nên chúng ta cũng khó cạnh tranh với những loại gạo này so với Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Như vậy, nếu tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục diễn ra như chiều hướng hiện nay, theo tôi, từ nay đến cuối năm gạo xuất khẩu có thể đạt kế hoạch về khối lượng nhưng về kim ngạch xuất khẩu có thể thấp hơn so với cùng kỳ 2009.
PV: Theo ông, liệu VN có thể nâng vị trí xuất khẩu gạo trong thời gian tới ? Và đâu là điều kiện để chúng ta có thể đạt được điều này?
Nhu cầu lương thực thế giới không ngừng tăng lên trong đó có nhu cầu về gạo, thì với lợi thế là một nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao vị trí xuất khẩu gạo trong tương lai nếu tận dụng tốt lợi thế và cơ hội.
Theo tôi, để nâng cao vị thế đó, cần có 4 nhân tố chính. Đó là:
- Quy hoạch diện tích trồng lúa.
- Thực hiện việc chuyên canh những giống lúa có chất lượng mà Việt Nam có thế mạnh.
- Ứng dụng dây chuyền công nghệ trong việc thu hoạch, bảo quản chế biến gạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng.
- Đảm bảo sự thống nhất trong xuất khẩu gạo, tránh tình trạng bán phá giá làm giảm uy tín của hạt gạo Việt Nam.
PV: Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải đảm bảo nông dân có lãi 30% trong sản xuất lúa gạo. Điều này thiết nghĩ khó có thể trở thành hiện thực nếu không có bàn tay hữu hình (mạnh mẽ) của nhà nước… Theo ông, để hướng đến thu nhập cao cho nông dân thì cần tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Có 2 vấn đề mấu chốt cần tập trung giải quyết. Thứ nhất là phải tăng chất lượng và thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam. Thứ hai là phải tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông thị trường nội địa.
Xin cảm ơn ông !