Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa tổ chức hội thảo “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cà phê nhân xuất khẩu”. Hàng chục năm nay đã có quá nhiều cuộc họp, hội thảo với sự chủ trì và tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
“Một mình một chợ”
Chúng ta đã có đến 10 tiêu chuẩn cà phê được các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Khoa học - Công nghệ yêu cầu áp dụng. Hội đồng Cà phê quốc tế (ICC) cũng ra nghị quyết 407, ngày 1/2/2002, về thực hiện Chương trình cải thiện chất lượng cà phê, dựa trên cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam đối với cà phê robusta (vì Việt Nam là nước XK cà phê nhân robusta lớn nhất thế giới). Gần đây nhất, Việt Nam đã chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 10470:2004 và soạn thảo thành TCVN 7932:2007, được Bộ KH-CN công bố từ năm 2007. Nhưng tất cả những tiêu chuẩn đó đều không được thực hiện, thậm chí chưa được giới thiệu rộng rãi.
Trong khi đó, các hợp đồng mua bán cà phê robusta tại thị trường LIFFE đều xếp hạng cà phê dựa trên các thông số chất lượng đo bằng phần trăm khối lượng, không phải bằng tỉ lệ phần trăm số lỗi. Như vậy, cách xếp hạng theo phần trăm số lỗi mà ta đang áp dụng không được quốc tế công nhận. Rất đông doanh nghiệp Việt Nam không muốn áp dụng TCVN 4193:2005; các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê của Việt Nam cũng không muốn áp dụng tiêu chuẩn này, vì không muốn phải trả giá cao hơn.
|
Sơ chế cà phê ở hộ nông dân là khâu rất quan trọng đối với chất lượng cà phê |
Hệ quả là cà phê XK của Việt Nam luôn bị phàn nàn về chất lượng xấu, có lúc bị thải loại đến 60%, giá bị giảm 100-200 USD/tấn, có lúc lên đến 600 USD/tấn tại London. Lượng cà phê robusta được cấp chứng nhận chất lượng London ngày càng ít, khiến có lúc cà phê Việt Nam bị tồn kho tại London lên đến 400.000 tấn vào cuối năm 2007, đầu 2008.
Do việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện, nên rốt cuộc cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì phân hạng cà phê theo 3 tiêu chí: thủy phần %, đen vỡ %, tạp chất %. Cung cách “một mình một chợ” chẳng giống ai đó khiến cà phê nhân XK của Việt Nam luôn luôn thăng trầm.
Tiến tới hướng đi phù hợp tiêu chuẩn quốc tế
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của VICOFA, ủy viên Ban chấp hành ICC, cho rằng bất kể như thế nào cũng phải tiêu chuẩn hóa cà phê. Mục tiêu là cung cấp cho cả người bán và người mua một sự đảm bảo về nguồn gốc, đặc tính và chất lượng hàng hóa. Việc tiêu chuẩn hóa cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước ngăn cấm việc XK những lô hàng cà phê có chất lượng quá thấp, không phù hợp với tiêu chuẩn và làm tổn hại đến tiếng tăm của nước sản xuất. Bởi thế, chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, mà cần phải thực hiện các nghị quyết 407 và 420 của Hội đồng Cà phê thế giới (ICC). Không có lý gì ICC công nhận các bản tiêu chuẩn TCVN 4193:2001 và TCVN 4193:2005 để phân loại cà phê robusta do chính chúng ta đưa ra, nhưng các doanh nghiệp của chúng ta lại không áp dụng! Muốn vậy, dứt khoát phải giám sát và phân loại cà phê, để cà phê bán ra không có quá mức những hạt bị lỗi hoặc tạp chất, và cà phê uống phải là "cốc sạch" (clean cup). Tiếp theo, cần xây dựng chương trình chất lượng cà phê (Coffee Quality Program: CQP) và yêu cầu các doanh nghiệp XK cà phê phải được đóng dấu chất lượng, như Brasil và nhiều nước đã làm.
Cũng theo thống kê của VICOFA, hàng năm cà phê của Việt Nam đáp ứng 1,2 triệu tấn cho các nhà máy chế biến, nhưng trên thực tế chỉ có 40% được đưa vào nhà máy, còn lại 60% là XK theo tiêu chuẩn thông thường. Hệ quả kép nảy sinh: giá trị hàng hóa XK thấp và nhà máy chế biến chỉ hoạt động 40% công suất (chi phí 600 triệu đồng/tấn công suất).
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị đẩy mạnh hướng sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Global GAP, VietGap. Ông cũng hối thúc Cục Thương mại - Chế biến nông-lâm sản và nghề muối thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc kinh doanh cà phê theo chức năng của Hiệp hội, và đề xuất đối với cơ quan nhà nước.
Sớm ban hành qui chuẩn cà phê xuất khẩu
Có một số người cho rằng cà phê Việt Nam chất lượng kém, nên thường phải bán giá thấp hơn cà phê cùng loại của một số nước khác, như Indonesia. Đây là sự hiểu lầm, hiểu không đúng, cần sửa đổi, vì cà phê robusta Việt Nam chất lượng vào loại cao trên thế giới, kể cả so với Indonesia. Sở dĩ có sự hiểu lầm là do chúng ta còn nhiều thiếu sót trong khâu thu hái, sơ chế và phân loại. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân không có điều kiện xây sân xi măng để phơi nên cà phê lẫn sạn, cát; do nông dân thu cả cà phê xanh; ủ cà phê trên đất dễ bị hút ẩm gây mốc...
Nếu không có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên và liên tục giữa người trồng cà phê với doanh nghiệp, cơ quan khuyến nông, với chính quyền địa phương, đoàn thể nông thôn thì không thể khắc phục suôn sẻ. Tập đoàn Nestlé là nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, thị phần cà phê hòa tan trên thế giới của Nestlé khoảng 54%, là bạn hàng lớn của Việt Nam, hàng năm sử dụng khoảng 780.000 tấn cà phê nhân, trong đó cà phê Việt Nam chiếm khoảng 230.000 tấn, cà phê Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu cho 24 trong tổng số 27 nhà máy sản xuất cà phê của Nestlé, cũng nhiều lần đề nghị chúng ta áp dụng ISO 10470:2004.
Chuyên gia cao cấp Đoàn Triệu Nhạn kiến nghị dành 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11/2010) để khảo nghiệm chuyển sang ISO 10470:2004, Bộ NN-PTNT và Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng sẽ xem xét trong tháng 12/2010, sau đó ban hành Qui chuẩn cà phê XK.
Một số doanh nghiệp đầu tư lớn vào chuỗi sản phẩm cà phê chế biến và XK kiến nghị: Cần có chính sách khuyến khích XK cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tương đương; chỉ cho phép XK tối đa 10% sản lượng cà phê chất lượng thấp; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến XK trực tiếp. Nếu làm tốt công tác quản lý về mọi mặt, cà phê Việt Nam sẽ tăng cả về sản lượng và chất lượng, không cần mở rộng diện tích, trừ tái canh cây cà phê.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, sơ chế cà phê ở hộ nông dân là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Vì vậy ông đề nghị các địa phương quan tâm vận dụng các chính sách đã có để hỗ trợ nông dân xây sân phơi, đặt máy sấy ở các cụm sản xuất./.