Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: giá tôm nguyên liệu tăng mạnh
02 | 12 | 2010
Hiện giá tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL tăng mạnh, cụ thể loại tôm 30 con/kg có giá 175.000 đồng/kg, loại 40 con/kg từ 135.000-140.000 đồng/kg.

Đây cũng là mức giá cao nhất trong gần 10 năm qua.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), nếu so sánh với giá tôm nguyên liệu các nước trong khu vực thì giá tôm nguyên liệu của Việt Nam tại thời điểm này cao hơn Ấn Độ 16.000 đồng/kg và Thái Lan là 20.000 đồng/kg.

Ông Quang cho biết thêm, chỉ cần tôm xuất khẩu từ Việt Nam cao hơn 1 xu Mỹ (khoảng 2.000 đồng) mỗi ki lô gam so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu tôm trong khu vực thì tôm Việt Nam đã khó canh tranh trên thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. “Với giá tôm cao như thế này, các doanh nghiệp chỉ còn cách duy nhất là nhập nguyên liệu từ các nước có giá thấp hơn” ông Quang nói.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu tôm luôn mở rộng, hiện đã có hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu tôm của Việt Nam và số doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng lên 334 doanh nghiệp. Trong khi đó, vùng nuôi tôm không tăng, sản lượng cũng không tăng nên giá tôm nguyên liệu trong nước bị đẩy lên theo luật cung cầu, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu xuất khẩu tăng.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc thiếu nguyên liệu cho các nhà máy là thực tế đang diễn ra và đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp quyết định nhập khẩu tôm nguyên liệu vẫn không nhiều, chỉ chiếm khoảng 2%.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT công ty Cafatex (Hậu Giang), mặc dù các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu và giá nguyên liệu nước ngoài thấp hơn trong nước nhưng họ không thể nhập khẩu vì thuế suất nhập khẩu nguyên liệu ở dạng tạm nhập, tái xuất vẫn ở mức 35%, do vậy, doanh nghiệp có muốn nhập cũng không dám nhập.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường