Cây mía ở nước ta có quá nhiều giai đoạn thăng trầm. Có lúc mía ngoài đồng không ai mua để cho trổ cờ, có lúc lại tranh nhau vùng nguyên liệu. Có lúc xây dựng nhà máy đường tràn lan, có lúc lại chỉ có lò đường thủ công hoạt động. Tất cả đủ để nói lên việc qui hoạch của ngành đường còn lúng túng, chưa thực sự hợp lý.
Năm vừa qua, giá mía nguyên liệu ngay từ đầu vụ đã lên cao, 850-900 đồng/kg tại cổng nhà máy. Khi giá đường lên 18.000 đồng/kg, đã có hiện trượng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy. Khi bộ Nông nghiệp và bộ Công Thương xem xét cho nhập bổ sung 200.000 tấn đường cho năm 2010 thì giá bán lẻ ngoài thị trường đã lên 22.000 đồng/kg. Đồng thời còn kéo theo việc thẩm lậu đường qua ngả biên giới.
Trong nước, giá mía nguyên liệu cũng đã tăng lên 970-1.000 đồng/kg. Đây là động lực để nông dân chuyển thêm một số diện tích sang trồng mía. Đồng thời lại nổi lên việc tiếp tục cho nhập khẩu đường.
Theo tính toán cho cả năm 2011, bên cạnh số đường sản xuất trong nước, không tính số đường nhập lậu, thì cả nước sẽ thiếu khoảng trên 200.000 tấn. Vì vậy đã thống nhất hạn ngạch nhập bổ sung 250.000 tấn là phù hợp. Nhưng từ đó lại xuất hiện những ý kiến trái chiều.
Sau khi có ý kiến từ lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng lượng đường đã nhập không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường trong nước như kiến nghị của các nhà máy và sẽ giữ nguyên hạn ngạch nhập đường năm 2011, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đã có ý kiến: “Việc nhập đường trong bối cảnh các nhà máy đường đang vào hoạt động chính vụ đã tạo ra tình trạng thừa đường cục bộ” và đề xuất đưa đường vào tạm trữ.
Tính đến cuối vụ mía, lượng đường tồn kho của cả nước khoảng 690.000 tấn. Cùng với lượng đường nhập khẩu đã cấp hạn ngạch trước đây, tổng cộng có khoảng 760.000 tấn. Trong khi đó, ước tiêu thụ đường trong nước bình quân khoảng 120.000 tấn/tháng, nghĩa là đến hết tháng 5, chưa tính lượng đường nhập lậu, nước ta thừa tới 160.000 tấn. (Niên vụ mía ở mỗi vùng kết thúc không đồng đều nhưng được tính thống nhất là hết tháng 5).
Do giá mía nguyên liệu năm nay cao, vượt mốc 1.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi đầu tư, mở rộng nên dự báo diện tích trồng mía sẽ tăng lên vào vụ sau. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến ngày 15/5, cả nước đã xuống giống trồng được 152,8 ngàn ha mía tăng 135,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng dẫn đầu trong các loại cây công nghiệp.
Hy vọng rằng giữa các nhà máy đường và nông dân vùng nguyên liệu có sự phối kết hợp trong việc sản xuất bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, đầu tư thâm canh tăng năng suất.
Theo Anh Vũ
Cafef