Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL nỗ lực tìm giống mía chất lượng
25 | 10 | 2008
Trong “cuộc chiến” cạnh tranh của các DN mía đường nước ta với đường ngoại nhập, giới chuyên gia ngành mía đường cho rằng bên cạnh việc các nhà máy cần nâng cao năng lực thiết bị công nghệ, công suất, hạ giá thành sản xuất, thì vấn đề chọn tạo giống mía mới có vai trò rất quan trọng.
Nông dân trồng mía muốn có lãi cao, giữ vùng mía nguyên liệu ổn định thì rõ ràng rất cần có những giống mía mới năng suất cao, chữ đường (CCS) cao. Tuy nhiên, so với những vùng miền khác trong nước, tìm giống mía mới có đặc điểm thích nghi cho vùng ĐBSCL đất thấp, đất nhiễm phèn… cho đến nay còn gặp nhiều khó khăn. Các địa chỉ cung cấp giống tin cậy đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu còn quá ít.

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mía đường (TTNC&PT mía đường - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thừa nhận, cho đến nay ĐBSCL vẫn chưa có được bộ giống mía ưng ý, có khả năng rải vụ thu hoạch, chịu úng phèn, kháng bệnh thối đỏ. Trong thời gian qua một số giống mía mới, nhất là giống có nguồn gốc Trung Quốc, Đài Loan đưa về sản xuất đã bộc lộ nhiều nhược điểm như nhiễm sâu đục thân, đặc biệt là sâu hồng; nhiễm bệnh than, bệnh thối đỏ và trắng lá; thời gian giữ đường ngắn, nhanh xuống lá, đòi hỏi thâm canh cao, tái sinh gốc kém. Do đó dù diện tích giống mía mới tuy có tăng, nhưng năng suất mía trung bình trong vùng tăng lên chậm.

Vụ mía 2007-2008, ĐBSCL có 65.000ha mía nguyên liệu, giảm 2.000ha so vụ trước, nhưng diện tích mía nguyên liệu tập trung lại tăng hơn 3.000ha, đạt hơn 48.000ha. Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 67,1 tấn/ha. Riêng 2 tỉnh có diện tích mía lớn nhất vùng là Hậu Giang và Sóc Trăng, diện tích giảm chỉ 500ha, nhưng năng suất đạt 90 tấn/ha, thậm chí nhiều nơi đạt 100-120 tấn/ha. Như vậy, với giá lúa giảm như hiện thời nông dân trong vùng cho biết xu hướng muốn giữ đất trồng mía. Song về lâu dài, nông dân bày tỏ cần có giống mía có chữ đường cao và năng suất cao hơn, phải đạt 150-200 tấn/ha. Nếu có giống tốt như thế thì nông dân hoàn toàn yên tâm đầu tư trồng mía bán cho nhà máy.

Hiện nay, mỗi năm TTNC&PT mía đường đưa xuống khoảng 5-6 giống mía mới khảo nghiệm tại các trại giống các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, các giống mía cũ được nông dân sản xuất nhiều trước đây như Comus, Hòa Lan tím, Hòa Lan mốc, QĐ11… đang dần được thay bằng giống mía mới như ROC10, ROC16, ROC22, ROC27, K84-200, R570, VĐ85-177, VĐ86-368, QĐ13, QĐ21, DLM24. Bước đầu một số giống chọn tạo trong nước được chuyển giao vào sản xuất thấy khá thích nghi như VN84-442, VN84-4137, VN85-1427, VN85-1859… đã góp phần tạo sự đa dạng giống mía ở các địa phương, nâng tỉ lệ dùng giống mía mới từ 30% trong giai đoạn trước năm 2000 đến nay tăng lên gần 80%, nhờ đó đưa năng suất tăng lên đáng kể. Một vài giống mía của TTNC&PT mía đường bắt đầu bén rễ, tươi tốt ở nhiều địa phương như VN85-1859 chiếm 20% diện tích mía ở Trà Vinh, giống VN84-4137 chiếm 30% diện tích mía ở Bến Tre hay giống DLM24 ở Hậu Giang, K84-200 ở Long An...

Tuy nhiên, so sánh giống từ quá trình khảo nghiệm đến thực tế sản xuất vẫn còn khoảng cách lớn. Ở Hậu Giang, nông dân trồng mía qua sản xuất chọn được những giống có hiệu quả như: VN84-4137, VN85-1859, VN65-65, VN84-422, VĐ86-368, DLM24… Dù vậy, nông dân vẫn chưa hoàn toàn ưng ý, vì một vài giống cho chữ đường cao nhưng năng suất không cao hoặc ngược lại. Như giống VN84-4137 cho chữ đường cao nhưng năng suất trồng thực tế chỉ chừng 100 tấn/ha, thêm nữa lông nhiều trên bẹ lá, lá ốp vào thân. Hoặc như những giống VĐ86-368 và DLM 24 có thể cho năng suất cao 150-200 tấn/ha, nhưng giống dài ngày và chữ đường không cao.

Theo TTNC&PT mía đường, các giống mía mới được công nhận cho sản xuất ở ĐBSCL: VN84-4137, VN84-422, VN85-1427. Các giống mía mới được công nhận cho sản xuất thử: DLM24, VĐ86-368, C86-456. Hiện nay, nông dân ĐBSCL nên sử dụng các giống mía có nguồn gốc từ Việt nam (VN84-4137, VN85-1427, VN85-1859) hoặc Thái Lan (K84-200, K22, K88-65, K93-236, K95-156, KU60-1, KU00-1-61, Suphanburi 7), vì hầu hết các giống mía này đều được lai tạo và tuyển chọn trong điều kiện vĩ độ, thời tiết, khí hậu, đất đai… gần như tương tự ở ĐBSCL.

KS Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty mía đường Cần Thơ (Casuco) khuyến cáo rằng, nông dân muốn trồng mía đạt hiệu quả cao, bên cạnh yêu cầu giống mía chất lượng tốt, cần có kỹ thuật canh tác tốt. Ở Hậu Giang các giống mía chiến lược có khả năng đáp ứng cả hai mặt năng suất và chữ đường như: ROC16 năng suất 150-180 tấn/ha, thời gian sinh trưởng 9-10 tháng/vụ thích hợp cho những vùng trồng mía chạy lũ như ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Các giống mía QĐ11, QĐ13, VĐ86-368, DLM24 khả năng cho năng suất 200 tấn/ha, có khả năng lưu gốc tốt, giống chưa có dấu hiệu thoái hoá, canh tác tốt sẽ ít sâu bệnh. Riêng giống mía R570 năng suất 150-180 tấn/ha, dù giống dài ngày 12-13 tháng.

Song song nhu cầu cần giống mới có khả năng thích nghi, chịu úng phèn, năng suất cao, trong lựa chọn giống mía ở từng địa phương còn đặt ra yêu cầu phải có giống chín cực sớm, giống mía rải vụ thu hoạch, tuỳ điều kiện từng tỉnh. Mặt khác, chính vì nhu cầu giống mới cao nên thực tại nông dân trong vùng cho biết muốn thay đổi giống thật khó tìm ra địa chỉ có khả năng cung cấp giống. Thông thường nông dân thường tìm tới Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống hoặc các DN mía đường để tìm mua giống mía. Trung tâm giống và hệ thống canh tác mía Long Mỹ (Hậu Giang) được xem là một trong những nơi có khả năng cung cấp giống khá mạnh so với các tỉnh trong vùng thì mỗi năm cũng chỉ đáp ứng 3.000-5.000 tấn mía làm giống đầu dòng xem như để làm mồi. Phần còn lại chủ yếu là nông dân mua về tự nhân giống. Trong khi đó nếu tính riêng 9.000ha mía ở Phụng Hiệp cần thay giống mới phải cần tới 70.000-90.000 tấn mía giống (TB lượng giống cần 8-10 tấn/ha). Như thế mới thấy để đáp ứng giống mía cần sự phối hợp từ các Viện nghiên cứu, cơ quan chức năng địa phương và các nhà máy đường vào cuộc nhanh hơn.



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường