Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Lo thiếu lúa giống
14 | 05 | 2008
Lúa có giá nên chuyện thời sự “nóng” của nông dân bây giờ là làm sao có lúa thật nhiều. Từ cái lý này, dù vụ lúa hè thu (HT) ở ĐBSCL vừa lên xanh đồng, nhưng giống cho mùa sau đã được nhiều nông dân nhắm đến. Nhưng giống lúa xác nhận thì cho đến nay ĐBSCL vẫn thiếu, khó tìm mua.

Trò chuyện với nông dân trong vùng, hầu như ai cũng đồng ý nên tìm mua giống lúa cao sản, giá có cao hơn chút ít tính ra vẫn có lợi hơn. Cụ thể giống lúa IR 50404 cho năng suất cao 8-9 tấn/ha đang là “mốt” được nông dân lựa chọn. Hơn lúc nào hết, trong lúc hạt thóc quý như hạt vàng này, nông dân mới ý thức hết tầm quan trọng của giống. Một nhà khoa học cho hay, nếu sử dụng giống lúa cấp xác nhận (XN) có chứng chỉ chất lượng cao (CLC) sẽ giúp gia tăng năng suất từ 8-10%. Song tìm giống XN không dễ, nhất là lâu nay lượng giống XN cung luôn không đủ cầu.

ĐBSCL lại đứng trước nỗi lo thiếu giống

Theo Viện lúa ĐBSCL, nếu tính nhu cầu giống XN 100 kg lúa/ha thì hàng năm ở ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn lúa giống. Riêng vụ ĐX sắp tới với 1,5 triệu ha, nhu cầu khoảng 150.000 tấn giống XN. Thế nhưng năng lực sản xuất của các DN, trung tâm giống, HTX, tổ hợp tác trong vùng đến năm 2006 chỉ mới đáp ứng ứng giống XN trên 34,8% diện tích, trong đó vụ ĐX 2005-2006 đạt khoảng 495.765 ha, chiếm 33,3 % diện tích lúa ĐX trong vùng và vụ HT khoảng 570.261 ha, chiếm 36,5% diện tích. Các tỉnh có diện tích sử dụng giống XN cao là An Giang 286.000ha, Kiên Giang 200.000ha, Cần Thơ 145.970ha, Long An 125.300 ha, Vĩnh Long 86.158 ha.

Do đó mấy năm qua, cứ tái diễn điệp khúc vào vụ lúa là khan hiếm lúa giống XN. Vụ ĐX thường bùng lên cao điểm vào tháng 10 và 11. Mặc dù nhiều tỉnh trong vùng đã thực hiện xã hội hóa công tác nhân giống để đáp ứng nhu cầu giống XN nhưng tình hình tiến triển vẫn chậm chạp. Dĩ nhiên thiếu lúa giống XN, nông dân không thể ngồi chờ mùa vụ đi qua mà phải dùng lúa thịt làm giống, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.

Hiện nay, tại Kiên Giang cần lượng giống XN khỏang 70.000 tấn/năm, nhưng thực tế chỉ thỏa mãn được 20% nhu cầu. Trong vụ ĐX 2007-2008, tỉnh đã nhân 116 ha lúa nguyên chủng trong các trại của tỉnh tại Tân Hiệp, Mỹ Lâm (Hòn Đất ) và Minh Lương (Châu Thành ) với sản lượng đạt 450 tấn. Dự kiến năm 2008, cũng chỉ thỏa mãn 41% nhu cầu giống xác nhận trong vụ HT và 51% trong vụ ĐX 2008.

Cán bộ nông nghiệp và nông dân các tỉnh ĐBSCL tham gia đánh giá chọn giống lúa

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN- PTNT Hậu Giang kể, từ năm 2004, lúc mới chia tách tỉnh (từ tỉnh Cần Thơ cũ), Hậu Giang chỉ đáp ứng khoảng 20% giống lúa XN. Nhưng 4 năm qua, Hậu Giang đã tập huấn kỹ thuật nhân giống và nâng chất lượng lúa giống XN lên 40% diện tích. Vụ lúa ĐX tới Hậu Giang cấy 84.000ha, nhu cầu cần khoảng 8.400 tấn lúa giống. Trung tâm giống của tỉnh đã chuẩn bị trước 100 tấn giống nguyên chủng, bộ giống được nông dân đánh giá cao, có tính kháng rầy…từ Viện lúa ĐBSCL. Hy vọng sẽ nâng cao lượng giống XN cho nông dân.

Đến nay so với các tỉnh trong vùng An Giang có phong trào xã hội hóa công tác giống lúa mạnh nhất. Từ năm 2001, An Giang đã phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng TƯ đào tạo 25 cán bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống và thành lập trên 200 tổ sản xuất giống; đào tạo kỹ năng nhân giống cho 6.000 nông dân. Hiện nay tỉnh đã cung cấp được 75% nhu cầu giống XN và XN cộng đồng trong tỉnh. Năm 2008 An Giang nỗ lực đạt 90% diện tích dùng giống XN. Tương tự, TP Cần Thơ hàng năm phân bổ kinh phí 1 tỉ đồng hỗ trợ 200 tấn giống nguyên chủng và tập huấn nông dân nhân giống.

Trong khi đó ở Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết khả năng cung cấp 30% giống XN, còn lại giống trao đổi bên ngoài dân với hơn 6.000 hộ được tập huấn kỹ thuật nhân giống. Tuy không thiếu hụt giống lúa trầm trọng nhưng ông Quốc cho rằng từ bây giờ muốn “nâng chất” phải khuyến cáo vận động nông dân quen dùng giống lúa XN.

* GS.TS. Bùi Chí Bửu: “Cái yếu nhất của ĐBSCL là công nghệ hạt giống. Trước mắt, chúng ta củng cố và phát triển hệ thống nhân giống từ các Viện, Trường đến các Trung tâm giống của các tỉnh, sao cho hạt giống thực sự có địa chỉ”

* Theo Cục Trồng trọt, các giống cần nhân trong năm 2008 gồm nhóm giống chủ lực và bổ sung IR 50404, OM 576, OMCS2000, OM 2517, VNĐ 95-20, OM 3536, IR 64, OM 4498, OM 2395, AS 996, MTL 384, OM 5930, ML 48. Nhóm giống triển vọng mới: OM 4900, OM 4668, OM 6035, OM 5625, MTL 499, MTL 465, MTL 399. Nhóm giống thơm đặc sản: JASMINE 85, VĐ 20, KHAO DAWK MALI, ST 5. Nhóm nếp, lúa mùa địa phương và mùa cao sản: Nếp Bè, Nàng thơm chợ Đào, Tài Nguyên, TNĐB 100, OM 1352, OM 1350.



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường