Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mổ xẻ nguyên nhân cá tra tụt giá
22 | 06 | 2011
Sau khi tăng đến 29.000 đồng/kg, hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tụt giảm chỉ còn 26.000 đồng/kg mà khó bán, trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng.

Phân tích tình hình trong và ngoài nước, các DN kinh doanh cá tra (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VN - Vasep) cho rằng, 15 DN lớn nhất phải nhanh chóng thống nhất để kéo giá lên...

Giá tụt vì sao? 

Trước việc giá cá tụt, lại khó bán, thiệt hại nặng, nông dân cho rằng do các DN chế biến xuất khẩu “ngầm” bắt tay nhau ép giá. Một ý kiến khác, ông Nguyễn Văn Kịch (Tổng GĐ Cty CP thuỷ sản Cafatex - Hậu Giang) thì nói: “Trước chúng ta làm tốt giá sàn, cùng bắt tay nhau thống nhất giá đó đã đẩy giá cá bán qua Châu Âu từ dưới 3USD/kg lên 3,4 – 3,5USD/kg trong vòng có vài tháng.

Nhưng từ hội chợ thuỷ sản ở Bỉ, Vasep lại không đặt ra giá sàn chính thức mà có thông tin bên ngoài là giá sàn còn 3,2USD/kg. Ngay lập tức trong vòng 10 ngày sau, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm xuống từ 29.000 đồng/kg còn 26.000 đồng, thậm chí có nơi đến nay còn có 24.000 đồng/kg!”.

Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Minh (Phó Chủ tịch Vasep) lại phản bác rằng, sau hội chợ Bỉ giá xuống bởi kỳ vọng của nông dân là găm hàng lại để chờ giá lên nữa với tính toán cứ  bỏ ra 1,7kg thức ăn để được 1kg cá thịt là lời được 8.000 đồng/kg, 10 tấn lời được 80 triệu đồng. Nhưng nông dân quên mất rằng khi găm hàng thì cá cứ lớn dần và kích thước lên tới 1-1,1kg/con, trong khi nhu cầu thị trường về loại kích thước này chiếm chưa tới 30% và trên 70% lượng cá xuất khẩu là kích thước từ 700 – 850gr/con. Từ đó mới khiến thị trường thừa cá lớn mà lại thiếu cá bé nên giá tụt.

Bà Tô Thị Tường Lan (Phó Tổng thư ký Vasep) cho hay, cú tụt giá cá tra và việc thiếu nguyên liệu vừa qua đã cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm Cty xuất khẩu cá tra. Vasep vừa có đợt khảo sát 43 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra chiếm 67% sản lượng xuất khẩu cho thấy, diện tích nuôi của DN là 2.247ha, chiếm 37% diện tích nuôi của ĐBSCL.

Theo đó, 15% số DN đã chủ động 100% nguồn nguyên liệu cho sản xuất; 41% chủ động được từ 60-80% nguyên liệu và trên 43% chủ động từ 15-30% nguyên liệu. Những DN đủ tiềm lực tự nuôi, mạnh về tài chính có khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu, chiếm đến 60% lượng xuất khẩu cá tra và có khả năng chi phối giá cả từ giá nguyên liệu đến giá xuất khẩu, nên dù cá tra biến động nhưng họ vẫn “vững tay chèo”.

Còn lại nhiều nhà máy nhỏ, yếu kém về tài chính... nếu như trước đây kinh doanh theo kiểu mua chịu cá của nông dân, sau khi lấy được tiền từ xuất khẩu mới thanh toán cho người nuôi thì nay đã phải chịu cảnh “tiền trao cháo múc”. Khó khăn kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán kéo dài hơn, khiến việc xoay đồng vốn gặp khó khăn, thêm vào đó lãi suất vay cao và khả năng tiếp cận nguồn vay khó khăn đã khiến nhiều DN dùng chiêu “mỡ nó rán nó” tự đào thải. Đến nay chỉ còn 89/199 DN kinh doanh kiểu này so với 180/291 Cty năm 2010.

15 DN “đại gia” phải ngồi lại

Muốn không để giá cá đi xuống, theo ông Minh thì 15 DN lớn phải nhanh chóng nhóm họp trong vài ngày tới cam kết mua cá vào để đẩy giá cá lên. Bởi tình hình thiếu cá size nhỏ sẽ còn tiếp tục từ tháng 8-11 năm nay, vì đây là thời điểm các DN làm hàng cho dịp cuối năm, nhu cầu tăng cao, trong khi con giống theo mọi năm lại cạn kiệt. Lúc này giá cá nguyên liệu sẽ tăng cao, nếu không kéo giá bán lên thì sẽ thiệt hại lớn.

Vasep cũng kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường tần suất kiểm tra DN từ nay đến cuối năm, đặc biệt DN nào bán phá giá, dưới giá sàn hoặc xuất hàng kém chất lượng sẽ tẩy chay. Mặt khác phải kiểm soát các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bởi trong cơ cấu giá thành sản xuất cá tra, chi phí thức ăn chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm từ 75- 85,5%, quyết định giá thành cá nguyên liệu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá xuất khẩu...

Theo báo Lao Động



Báo cáo phân tích thị trường