TACN tăng giá liên tục trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính làm người dân không dám đầu tư mở rộng chăn nuôi dù giá heo đang cao kỷ lục. Nhiều người chăn nuôi thậm chí bỏ nghề.
Một năm tăng 17 lần
Ông Trần Quang Trung, một chủ trại heo khá lớn tại Gia Kiệm (Đồng Nai), cho biết với giá bán hiện tại (62.000 đồng/kg), người nuôi heo đang lời lớn. Thế nhưng khi được hỏi có tăng đàn heo hiện nay hay không, ông Trung khẳng định không có ý định đó. “Giá bán hiện nay thì lời thật nhưng không biết sắp tới sẽ ra sao nên tôi không dám mở rộng. Lo nhất là giá TACN vì sau đợt sốt này qua đi, giá heo giảm thì lại đau đầu với giá cám” - ông Trung cho biết.
Trong vòng một năm qua, các công ty sản xuất TACN đã tăng giá tổng cộng 17 lần. Trong đó, từ đầu năm đến nay giá TACN đã tăng 7 lần với mức tăng tổng cộng từ 1.500-2.000 đồng/kg. Nguyên nhân mà các công ty đưa ra là giá các loại nguyên liệu tăng, chi phí đầu vào tăng và chênh lệch tỉ giá hồi đầu năm mà các doanh nghiệp phải chịu.
|
Diễn biến giá cám heo hỗn hợp (một trong những nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi) từ đầu năm đến nayẢnh: T.MẠNH - - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
|
Yêu cầu không được tăng giá bất hợp lý
Tháng 4-2011, Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với bốn doanh nghiệp sản xuất TACN. Kết quả kiểm tra cho thấy mặt hàng TACN các doanh nghiệp tăng giá 6 lần, trung bình tăng từ 1,05-2,56%.
Trong số các doanh nghiệp được kiểm tra, Công ty cổ phần Việt Pháp tăng giá bán thức ăn gia súc 860.000 đồng/tấn, tương đương 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 509.910 đồng/tấn, tương đương 6,49%. Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá bán cao bất hợp lý so với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào, cắt giảm các khoản chi như quảng cáo, tiếp thị để hạ giá bán sản phẩm.
|
Thế nhưng đã vài tháng nay, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào giảm, tỉ giá USD/VND cũng giảm nhưng không thấy công ty nào giảm giá bán TACN thành phẩm trên thị trường. Theo ông Phạm Đức Bình - giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), nhiều loại nguyên liệu chế biến TACN với giá rẻ hơn hồi đầu năm đã về tới kho các nhà máy và đưa vào sản xuất.
Nếu như hồi đầu năm giá khô dầu đậu tương ở mức 462 USD/tấn thì nay chỉ còn 437 USD/tấn và những chuyến hàng sắp về tới cảng chỉ còn 428 USD/tấn. Một số loại nguyên liệu khác làm TACN giá nhập cũng giảm tương đối nhiều như lúa mì giảm từ 7.200 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; cám gạo từ 6.100 đồng/kg còn 5.800 đồng/kg (loại cám trắng) và 5.400 đồng/kg (cám bình thường)...
Cố tình neo giá?
Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp sản xuất TACN tại Bình Dương thừa nhận đúng là giá nguyên liệu đầu vào đã giảm nhưng các doanh nghiệp chưa dám giảm giá bán ngoài thị trường vì lượng hàng bán ra từ đầu năm đến nay giảm đến 30% so với năm ngoái.
Do người chăn nuôi giảm đàn nên lượng hàng tồn kho của các nhà máy hiện còn quá lớn nên các công ty chưa dám hạ giá, chỉ một vài công ty hạ giá thông qua hình thức khuyến mãi. “Tôi nghĩ các công ty không hạ giá vì họ nghĩ có giảm thì sức mua cũng không tăng do nông dân không phát triển chăn nuôi” - vị giám đốc này cho biết.
Theo phân tích của ông Vũ Bá Quang - một người dành nhiều năm nghiên cứu về TACN và là chủ trại heo tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), đối với thức ăn cho heo nái, với giá các loại nguyên liệu như hiện tại thì nếu người dân mua cám tự trộn có thể rẻ hơn giá bán của nhà máy đến 50.000 đồng/bao (25kg). “Dường như có sự liên kết của các doanh nghiệp sản xuất TACN khi cố tình giữ giá cám cao như hiện nay” - ông Quang thắc mắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp TACN, trong đó dẫn đầu là các doanh nghiệp lớn, đã cố tình neo giá TACN để duy trì mức lợi nhuận cao trong khi lẽ ra phải giảm giá cho người dân khi nhiều loại giá đầu vào đã giảm.
Trong một cuộc họp gần đây của Hiệp hội TACN, ông Lý Anh Dũng - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại Quang Dũng (TP.HCM) - cho rằng ngành sản xuất TACN đang sống ở một môi trường mà chính sách và chủ trương của Nhà nước vô cùng tốt, các doanh nghiệp được Nhà nước ủng hộ rất triệt để. Hầu hết thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu làm TACN đều giảm còn 0% trong khi các nước xung quanh không có ưu đãi như vậy, ví dụ như Thái Lan thì riêng khô dầu đậu nành là 4% hoặc các mặt hàng khác đều phải có thuế.
“Không còn nước nào trong vùng Đông Nam Á này có tỉ lệ lợi nhuận trong sản xuất TACN cao như ở VN (từ 5-7%). Ở Malaysia chỉ lời khoảng 1-1,5%/năm là họ đã vô cùng sung sướng” - ông Dũng cho biết.
Theo Trần Mạnh
Tuổi trẻ