Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tác nhân nào gây chết hàng loạt tôm, nghêu?
27 | 07 | 2011
Những tháng vừa qua, ở ĐBSCL đã xảy ra dịch bệnh trên tôm và nghêu gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Đến nay, dựa trên kết quả phân tích mẫu tôm bị hoại tử gan tụy và mẫu nghêu bị bệnh do Cục Thú y gửi yêu cầu phân tích, trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ) cũng chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.

Kết quả phân tích mẫu tôm bị hoại tử gan tụy ở ĐBSCL của trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ) cho thấy, trên mẫu tôm này không thấy dấu hiệu của vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy NHP-B hay vi bào tử trùng Spiroplasma penaei và Enterocytoroon hepapenei.

Các chuyên gia của trường Đại học Arizona cho rằng, hội chứng gây hoại tử gan tuỵ ở tôm có thể do hội chứng nhiễm độc. Độc tố có thể trong môi trường (bùn đáy, nước, thức ăn, thuốc diệt tạp, chất xử lý cải tạo ao...), hoặc có thể do một số vi khuẩn tiết ra nhưng chưa phát hiện được từ những mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm.

Thực tế trong quá trình khảo sát, điều tra của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cũng cho thấy, người nuôi tôm sử dụng khá phổ biến thuốc trừ sâu để diệt giáp xác trong khi tẩy dọn ao, đặc biệt là các sản phẩm chứa Cypermethin.

Khi đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát vùng nuôi tôm ở các huyện Đầm Dơi, Cà Mau cũng thấy sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt tạp chứa thành phần Cypermethin. Ngoài ra, khá nhiều người nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh EM (tập hợp của nhiều vi khuẩn đưa xuống ao). Điều này khá tương đồng với những nhận định của các chuyên gia trường Đại học Arizona, do đó Tổng cục Thủy sản đã đề nghị các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nghiên cứu về độc tố môi trường để tìm tác nhân.

Kết quả nghiên cứu của trường Đại học Arizona, cũng như các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đều phát hiện thấy sự hiện diện của vi khuẩn nội bào Perkinsus ở cả vùng nuôi nghêu có dịch bệnh và vùng nuôi nghêu không có dịch bệnh. Do vậy, cũng chưa khẳng định được tác nhân gây hại là Perkinsus. Mặt khác, số liệu kiểm tra về môi trường nước rất hạn chế nên cũng chưa đủ cơ sở khẳng định được tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, sự hiện diện của vi khuẩn nội bào Perkinsus có thể suy luận có những chủng Perkinsus khác nhau và gây độc khác nhau mà các nhà nghiên cứu chưa biết nên Tổng cục Thủy sản đề nghị các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nghiên cứu theo hướng tìm những chủng Perkinsus khác và nghiên cứu độc tố của chúng.

Để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra do nhiễm độc ở tôm, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng khuyến cáo cho người dân tuyệt đối không nên sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt tạp có thành phần là thuốc trừ sâu để diệt tạp ao nuôi; kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh các loại thuốc diệt tạp, chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học tuân thủ đúng quy định nhà nước, tổng kết các mô hình nuôi tôm thành công để nhân rộng mô hình.

Đối với con nghêu, Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật nuôi nghêu, khuyến cáo nông dân nên sử dụng nghêu giống đạt tiêu chuẩn, thả mật độ thích hợp khoảng 150 con/m2; thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh và hướng dẫn người dân biện pháp giải quyết, khắc phục khi môi trường không thuận lợi để hạn chế rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.

Từ ngày 14-16/7, đoàn chuyên gia của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) và Cục Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT) đã khảo sát, tìm nguyên nhân gây dịch bệnh tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Sau chuyến khảo sát này, FAO sẽ phối hợp với Cục Thú y hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, từng bước tìm ra nguyên nhân dịch bệnh, các biện pháp giám sát cảnh báo phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo báo Đại Đoàn Kết



Báo cáo phân tích thị trường