Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỏi đáp về Chính sách Nghề cá chung Châu Âu
29 | 07 | 2011
Mục tiêu của Ủy ban Châu Âu (EC) khi đề xuất cải cách Chính sách Nghề cá chung (CFP) hiện đại và đơn giản hơn là hướng tới khai thác bền vững về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường

Chính sách mới sẽ đưa trữ lượng thủy sản của Châu Âu quay trở về mức bền vững bằng cách chấm dứt tình trạng lạm thác và xây dựng định mức khai thác dựa trên tư vấn của chuyên gia, qua đó mang lại cho người dân Châu Âu nguồn cung cấp lâu dài các thủy sản bền vững, an toàn và có lợi cho sức khỏe, chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp, tạo cơ hội việc làm và tăng trưởng cho các khu vực ven bờ.

Vì sao cần có chính sách mới?

Cải cách CFP là cần thiết vì các tàu khai thác ngày càng lớn hơn khả năng sinh sản của quần thể để bù đắp lại nguồn lợi, gây cạn kiệt tại các ngư trường riêng lẻ và đe dọa hệ sinh thái biển. Hiện 3/4 nguồn lợi thủy sản tại Châu Âu đã bị lạm thác: 82% nguồn lợi tại Địa Trung Hải và 63% tại Đại Tây Dương. Sản lượng khai thác đang ít đi và tương lai mờ mịt.

Trước tình hình này, EC đã đề xuất kế hoạch cải cách đầy triển vọng, xây dựng các quy định nhằm tạo ra một tương lai tốt hơn cho thủy sản, nghề cá cũng như môi trường biển. Kế hoạch cải cách này nằm trong khuôn khổ Chiến lược Châu Âu 2020 và được tiến hành cùng với chương trình mở rộng kinh tế biển, tăng cường phối hợp chặt chẽ các chính sách về biển và vùng ven bờ tại Châu Âu thông qua đẩy mạnh tiềm năng kinh tế nghề cá, tăng trưởng cao và liên kết chặt chẽ giữa các khu vực ven bờ.

Hướng tới bền vững là mục tiêu chính của cải cách CFP. Khai thác bền vững có nghĩa là khai thác ở mức không đe dọa đến khả năng sinh sản phục hồi trữ lượng nguồn lợi và cho sản lượng cao trong thời gian dài. Do đó cần phải quản lý sản lượng cá khai thác. EC yêu cầu đến năm 2015 các ngư trường đều phải đạt mức “sản lượng khai thác bền vững tối đa”, tức là khai thác được nhiều nhất trong thời gian lâu dài và duy trì được trữ lượng nguồn lợi để đạt sản lượng tối đa. Mục tiêu này được khẳng định trong Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc và được Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Phát triển bền vững 2002 khẳng định lại là mục tiêu của toàn thế giới vào năm 2015.

Nghiên cứu cho thấy, nếu thực hiện đúng cải cách, trữ lượng cá có thể tăng 70%. Trong thập kỷ tới, tổng sản lượng khai thác sẽ tăng khoảng 17%, lợi nhuận tăng 3 lần, thu nhập từ các khoản đầu tư tăng 6 lần và tổng giá trị gia tăng của ngành khai thác tăng 90%, tương đương với 2,7 tỷ EUR.

Khai thác bền vững cũng đưa nghề cá thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp từ ngân sách, giữ giá cá ổn định và minh bạch, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Duy trì một ngành kinh tế mạnh mẽ, hiệu quả, vận hành theo quy luật thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý trữ lượng nguồn lợi thủy sản tại Châu Âu.

Những nội dung cải cách chính là gì?

Quản lý lâu dài dựa trên hệ sinh thái

Để xây dựng lại kinh tế nghề cá vững mạnh ở Châu Âu, cần phải có biện pháp bảo vệ môi trường biển hiệu quả hơn nữa. Kể từ nay, Châu Âu sẽ áp dụng các kế hoạch quản lý nghề cá dài hạn thông qua cách tiếp cận hệ sinh thái và các biện pháp ngăn ngừa và hạn chế tác động của khai thác thủy sản lên hệ sinh thái biển. Nghề cá sẽ có một nền tảng tốt hơn và bền vững hơn để thực hiện các kế hoạch và đầu tư dài hạn, qua đó duy trì được nguồn lợi và sản lượng khai thác tối đa lâu dài.

Để đạt được mức khai thác bền vững vào năm 2015, các kế hoạch quản lý dài hạn sẽ được chuyển từ kế hoạch quản lý các nguồn lợi riêng biệt hiện nay sang kế hoạch quản lý nhiều nguồn lợi hơn. Những nguồn lợi chưa có trong kế hoạch quản lý sẽ được Hội đồng Châu Âu giám sát bằng cách cấp hạn ngạch khai thác và áp dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc bảo tồn khác.

Cấm loại bỏ cá xuống biển

Ước tính lượng cá khai thác không chủ đích bị ném xuống biển chiếm tới 23% tổng sản lượng cá đánh bắt được. EU sẽ đưa ra thời hạn cấm và chế tài xử phạt cụ thể để đẩy lùi hành vi này. Theo đó, ngư dân buộc phải mang tất cả số cá đánh bắt được về bờ. Cá cỡ nhỏ hơn quy định sẽ không được tiêu thụ. Các nước thành viên EU phải đảm bảo tàu cá nước mình khai báo đầy đủ thông tin về hoạt động khai thác và chế biến nhằm hỗ trợ công tác quản lý cá khai thác cập cảng.

Biện pháp này giúp thu thập những dữ liệu đáng tin cậy hơn về trữ lượng cá tại các ngư trường, hỗ trợ tốt hơn cho việc quản lý và phát triển hiệu quả nguồn lợi thủy sản, đồng thời khuyến khích ngư dân hạn chế khai thác không chủ đích bằng cách sử dụng ngư cụ chọn lọc hơn.

Trao đổi hạn ngạch khai thác

Đến năm 2014, EU sẽ áp dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch khai thác - còn gọi là “chuyển nhượng” – cho các tàu cá dài hơn 12 mét và tất cả các tàu cá sử dụng lưới kéo. Hoạt động chuyển nhượng sẽ được các nước thành viên EU quản lý minh bạch. Cụ thể, mỗi năm tàu cá các nước được cấp tên để tham gia phân phối hạn ngạch. Các tàu cá được phép cho thuê hoặc bán hạn ngạch cho tàu cá nước mình và không được trao đổi với tàu nước khác. Hạn ngạch có thời hạn trong 15 năm và không bị thu hồi ngay cả khi có vi phạm nghiêm trọng. Các nước có quyền giữ và thu phí hạn ngạch.

Hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ

Tàu cỡ nhỏ chiếm đến 77% số lượng tàu cá nhưng chỉ đạt 8% tổng tải trọng và 32% tổng công suất của đội tàu cá EU. Các nghề cá quy mô nhỏ ven bờ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xã hội và bản sắc văn hóa của nhiều vùng ven bờ Châu Âu nên cần được quan tâm hỗ trợ. Do CFP mới quy định từ năm 2020 cấm đánh bắt trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ nên nghề cá quy mô nhỏ cũng có thể không được cấp hạn ngạch. Vì vậy cần có các biện pháp tài chính mang lại lợi ích cho nghề cá quy mô nhỏ và giúp đỡ kinh tế địa phương thích ứng với những thay đổi trong cải cách.

Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Xây dựng hệ thống nuôi trồng thuỷ sản tốt hơn sẽ giúp tăng sản lượng và nguồn cung thuỷ sản tại Châu Âu, giảm phụ thuộc vào NK cá từ nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các vùng nông thôn ven biển. Đến năm 2014, các nước EU sẽ phác thảo các kế hoạch chiến lược quy mô quốc gia nhằm dỡ bỏ rào cản hành chính và nâng cao các tiêu chuẩn về kinh tế, xã hội và môi trường trong lĩnh vực thuỷ sản nuôi. Hội đồng Tư vấn nuôi trồng thuỷ sản sẽ được thành lập nhằm tư vấn các vấn đề trong ngành. Đây là kế hoạch phát triển có quy mô toàn EU: chiến lược do các nước thành viên lựa chọn đều phải hướng đến sự phát triển chung của khu vực.

Nâng cao hiểu biết về khoa học

Cần thu thập nhiều thông tin đáng tin cậy và cập nhật về tình hình các nguồn lợi biển để có những quyết sách đúng đắn về quản lý cũng như áp dụng hiệu quả chính sách cải cách mới. CFP quy định các nguyên tắc và nghĩa vụ mà thành viên EU buộc phải tuân thủ khi thu thập, quản lý và cung cấp dữ liệu, và các điều khoản để EC áp dụng. Các nước EU có trách nhiệm thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu khoa học về trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản và ảnh hưởng của hoạt động khai thác đối với vùng biển nước mình bằng cách tiến hành các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia.

Phân cấp quản lý

EC đang tiến hành phân rõ vai trò và nghĩa vụ của từng cơ quan và sẽ đưa ra những quyết định thiết thực hơn đối với thực trạng ngành khai thác. Như vậy Nghị viện Châu Âu sẽ không đảm nhận vai trò quản lý ở cấp vi mô mà chỉ xây dựng khung pháp lý chung, các nguyên tắc cơ bản, các mục tiêu tổng quát, các chỉ số đánh giá và khung thời hạn áp dụng. Sau đó, các thành viên EU sẽ lựa chọn biện pháp cụ thể để phối hợp thực hiện ở quy mô toàn khu vực. Bên cạnh đó còn có các điều khoản đảm bảo thành viên EU phải thông qua những kế hoạch tương thích và hiệu quả. Trong trường hợp các nước không tán thành hoặc không đạt được mục tiêu đề ra, EU sẽ quay trở lại áp dụng cơ chế cũ.

Chính sách thị trường mới

EU sẽ áp dụng Chính sách thị trường mới, tăng cường tiềm lực nghề cá và khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Chính sách này đảm bảo các đối tượng trong ngành sản xuất và kinh doanh thủy sản Châu Âu sẽ đóng góp vào mục tiêu CFP đề ra nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nghề cá, tính minh bạch của các thị trường và duy trì một sân chơi bình đẳng cho mọi sản phẩm tiêu thụ tại EU.

Chính sách này cũng đặt mục tiêu hiện đại hóa cơ chế xử lý vì hệ thống cấp ngân sách như hiện nay để tiêu hủy cá sắp tới sẽ không còn phù hợp, cần được thay thế bằng cơ chế lưu kho. Nhà sản xuất được phép mua sản phẩm cá khi giá giảm dưới một mức giá cụ thể, và dự trữ sản phẩm để đưa vào tiêu thụ trên thị trường. Hệ thống này sẽ giúp ổn định thị trường.

Nhà sản xuất cũng giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp quản lý, giám sát thị trường. Tiếp thị các sản phẩm cá nuôi và khai thác có tác dụng giảm lượng phụ phẩm và mang lại phản hồi tốt từ thị trường.

Các tiêu chuẩn về dán nhãn sản phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng tiếp cận được thông tin rõ ràng hơn, khiến họ ủng hộ phát triển bền vững nghề cá.

Thiết chế tài chính hiện đại và phù hợp hơn

Hỗ trợ tài chính sẽ được cấp cho thành viên EU và các người điều hành để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của CFP và được quy định phù hợp với nguyên tắc của CFP.

     Thành viên EU vi phạm quy định sẽ bị cắt, ngừng cấp hoặc điều chỉnh lại nguồn tài chính. Trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng từ các người điều hành, sẽ giảm bớt hoặc cắt nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, thành viên EU nhận hỗ trợ phải tuân thủ nghĩa vụ thanh tra hoạt động của các người điều hành trong những năm trước.

EU sẽ thành lập Quỹ Nghề cá và Hàng hải Châu Âu (EMFF) vào cuối năm 2011, hoạt động trong giai đoạn 2014 - 2020 với nguồn tài chính dự kiến 6,7 tỷ EUR.

Đảm bảo trách nhiệm quốc tế

Theo Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), 85% nguồn lợi thủy sản có đăng ký dữ liệu bị khai thác hết mức hoặc lạm thác. EU - thị trường có giá trị NK thủy sản lớn nhất thế giới cần phải củng cố cả chính sách nghề cá tại nước ngoài. Vì vậy, chính sách nghề cá tại nước ngoài cũng nằm trong khuôn khổ cải cách CFP. EU sẽ ủng hộ nguyên tắc phát triển bền vững và bảo tồn trữ lượng cá và đa dạng sinh học biển, đồng thời tập hợp các đối tác chủ chốt để thành lập liên minh cam kết hành động chống khai thác trái phép và lạm thác.

EU sẽ chú trọng các yếu tố như phát triển bền vững, quản lý tốt, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, nhân quyền và luật pháp khi ký kết thỏa thuận khai thác song phương với các nước ngoài liên minh. Theo đó, Thỏa thuận đối tác nghề cá (FRA) sẽ được thay thế bằng Thỏa thuận nghề cá bền vững (SFA) để đảm bảo khai thác nguồn lợi thủy sản được tiến hành dựa trên tư vấn đúng đắn và khoa học, hướng đến mục tiêu khai thác những nguồn lợi thủy sản dồi dào tại các nước không thể hoặc không chú trọng vào ngành này. Trong khuôn khổ SFA, các nước đối tác của EU sẽ thu lợi nhuận khi cho phép EU khai thác tại ngư trường nước họ và được hỗ trợ tài chính để áp dụng chính sách phát triển nghề cá bền vững.

Quy định mới chú trọng quản lý và đẩy mạnh nghề cá?

CFP mới được soạn thảo tương thích với hệ thống quản lý mới của EU từ năm 2010 và có mục đích kết hợp chặt chẽ các yếu tố cơ bản của hệ thống quản lý và đẩy mạnh nghề cá. Về quy định phải đưa tất cả cá khai thác vào bờ, EC đề xuất các nước phải có nghĩa vụ kiểm tra giám sát việc khai báo đầy đủ thông tin cũng như tiến hành dự án về công nghệ quản lý nghề cá mới, đóng góp vào khai thác bền vững.

Thời gian hiệu lực?

CFP sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Quy định mới sẽ được áp dụng ngay để nghề cá Châu Âu có thể thích ứng và sớm có hiệu quả. Dự kiến, CFP sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2013.


Báo cáo phân tích thị trường