Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhìn lại nghề nuôi cá tra
08 | 12 | 2010
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa đưa cá tra VN vào Sách đỏ trong “Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011”, tại một số nước châu Âu. Đây là thông tin bất lợi cho ngành công nghiệp cá tra, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ nuôi cá ở ĐBSCL. Vấn đề đặt ra là tại sao cá tra VN liên tục bị làm khó trên thương trường quốc tế? Và làm thế nào để tránh gặp “phiền phức” trong thời gian tới?
  • Nuôi cá đảm bảo chất lượng, môi trường

Những ngày này, hàng loạt hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL tỏ ra bất bình trước thông tin “WWF đưa cá tra VN vào Sách đỏ” và khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu lựa chọn những loại thủy sản khác thay thế cho sản phẩm cá tra xuất xứ từ VN.

WWF cho rằng: “Môi trường nuôi cá tự nhiên của các trang trại bị ô nhiễm; nguồn thức ăn, hóa chất, thuốc trừ sâu được thải ra sông dẫn đến nguy cơ lây bệnh từ cá nuôi sang cá tự nhiên”. Mặc dù Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) và các ngành liên quan đều lên tiếng phản đối sự cáo buộc trên, nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL không thể kiềm chế sự phẫn nộ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), mấy năm qua rất nhiều hộ nuôi cá trong huyện đã liên kết với Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) nên đầu vào - đầu ra rất ổn định. Ngoài việc hỗ trợ tích cực cho người nuôi, Bianfishco còn mua cá nguyên liệu với giá cao hơn thị trường từ 500 - 600 đồng/kg. Từ năm 2008 đến quý 3-2010, giá cá ở mức thấp, nhiều hộ nuôi lỗ nặng nhưng nhờ liên kết với Bianfishco nên vẫn có lời.

Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá chuyên nghiệp ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) bức xúc: “Chẳng biết dựa vào cơ sở nào mà WWF lại nói nuôi cá ở ĐBSCL không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là thông tin không thể chấp nhận được bởi nó làm tổn hại đến nghề chân chính của nhiều hộ dân nuôi cá”.

Theo ông Đệ, những năm gần đây nghề nuôi cá tra đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ ban đầu dựa vào con giống thiên nhiên thì thời gian qua dân nuôi cá đã lai tạo thành công giống nhân tạo, đảm bảo chất lượng cao. Nếu như trước đây cá tra được nuôi trong lồng bè dọc theo sông Tiền, sông Hậu thì mấy năm nay đã chuyển sang mô hình nuôi ao hầm. Cách nuôi này có nhiều cái lợi như: dễ kiểm soát dịch bệnh, quản lý tốt nguồn thức ăn, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường…

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng: “Từ chỗ nuôi dạng nhỏ lẻ, nay cá tra ở ĐBSCL đã phát triển lên thành ngành nuôi công nghiệp quy mô lớn có kiểm soát chặt đầu vào - đầu ra nên chất lượng cá rất tốt và môi trường nuôi đảm bảo an toàn”.

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, đã có nhiều nghiên cứu về môi trường nuôi cá tra ở ĐBSCL, kết quả cho thấy các chất thải từ ao hầm nuôi cá ra bên ngoài đều đạt những tiêu chuẩn cho phép. Điều này cho thấy nghề nuôi cá tra vẫn phát triển rất tốt, chưa có dấu hiệu nào xuất hiện sự nguy hại, vì vậy WWF cần xem xét lại những khuyến cáo của mình nhằm tránh gây tổn hại cho ngành công nghiệp cá tra của VN và lợi ích của người tiêu dùng trên thế giới.

  • Sắp xếp lại nghề cá

Mặc dù, Bộ NN-PTNT, VASEP, các ngành liên quan đã phản bác sự cáo buộc của WWF và chứng minh nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra của VN thời gian qua phát triển vượt bậc. Hiện nhiều trại nuôi cá đã áp dụng các mô hình nuôi quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng vùng nguyên liệu GlobalGAP, đáp ứng sản phẩm cho mọi thị trường dù khó tính nhất. Nhờ thế cá tra VN đã có mặt hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng nhiều nước rất ưa chuộng.

Song nếu nhìn rộng ra, nhiều người cảm thấy lo ngại khi cá tra VN liên tục bị thế giới “đánh hội đồng”. Hoa Kỳ vừa tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ VN vào nước này lên 130%; các nước châu Âu dựng nhiều rào cản chống lại cá tra; trước đó, giới truyền thông Na Uy, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Đông, Bắc Phi… mở chiến dịch bôi bẩn cá tra. Trong khi Ai Cập và Brazil cũng phản ứng việc nhập khẩu cá tra VN do lo ngại vấn đề chất lượng, môi trường và giá bán rẻ hơn các loài cá bản địa…

Bianfishco và nông dân xây dựng vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về mặt tích cực, cá tra VN có nhiều lợi thế bởi đây là loài cá độc quyền mà ít nơi nào trên thế giới có được. Song do sự phát triển ào ạt về diện tích, sản lượng, xây nhà máy… đã kéo theo nhiều hệ lụy. Theo thống kê, cả nước có trên 281 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nhưng chỉ hơn 100 doanh nghiệp xây nhà máy và có đầu tư bài bản. Hàng loạt doanh nghiệp còn lại làm ăn kiểu “mua đứt - bán đoạn” gây rối nghề cá.

Theo thống kê của các ngành chức năng, giá xuất khẩu cá tra bình quân trong 8 tháng đầu năm 2010 chỉ có 2,14- 2,2 USD/kg. Trong khi các nhà nhập khẩu quốc tế sau khi mua cá tra của VN đưa vào siêu thị ở châu Âu bán giá từ 6 - 7 USD/kg, cao gấp mấy lần so với giá mà các doanh nghiệp VN xuất khẩu. Vấn đề đặt ra tại sao giá cá tra của Việt Nam trên thị trường quốc tế cao như vậy, nhưng chúng ta lại bán ra bên ngoài quá thấp.

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Việt cho biết, nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp chưa đồng thuận, ai bán giá nào tùy thích”. Đây là điểm yếu của xuất khẩu cá tra VN đã bị các nhà nhập khẩu ép giá.

Có thể nói, nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thế giới rất lớn, cá tra VN dư sức cạnh tranh với cá hồi về chất lượng và giá cả (giá cá hồi rất cao, từ 12 - 15 USD/kg). Mặt khác, những doanh nghiệp xuất khẩu lớn của VN đã xây dựng nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến châu Âu; đội ngũ kỹ sư có tay nghề, người nuôi cá rất có kinh nghiệm…

Tóm lại, chúng ta có đủ khả năng để chế biến ra sản phẩm cá tra đạt chất lượng tối ưu, đáp ứng cho mọi thị trường tiêu thụ khác nhau - dù khó tính nhất. Vấn đề ở chỗ lập lại trật tự nghề cá. Làm sao để liên kết các doanh nghiệp, cùng đồng lòng thì giá cá tra xuất khẩu sẽ được nâng lên rất cao (đây là việc hoàn toàn làm được).

Nhiều ý kiến cho rằng, lúc này chính là thời điểm thuận lợi nhất để nhìn lại nghề cá một cách nghiêm túc.

Để ngành công nghiệp cá tra phát triển bền vững và tránh những vụ kiện tụng, bán phá giá, thậm chí tẩy chay… mà một số nước đang áp đặt, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan cần “mạnh tay” sắp xếp lại nghề cá một cách hợp lý. Chính phủ đã xác định cùng với lúa gạo, cá tra là thế mạnh chủ lực của ĐBSCL, đồng thời đưa cá tra vào sản phẩm chiến lược của quốc gia. Vì vậy, các nhà chuyên môn đề xuất nên đưa cá tra vào ngành sản xuất kinh doanh “có điều kiện”.

Từ đó có những quy định riêng cho nghề này, ai có kinh nghiệm, vốn, ao hầm nằm trong vùng quy hoạch mới cho nuôi; doanh nghiệp có nhà máy, có thị trường, sản phẩm đạt chất lượng… mới cho xuất khẩu. Phải quản lý chặt từ vùng nuôi đến chế biến, xuất khẩu thì nghề cá mới phát triển bền vững được.

ĐBSCL: Nuôi cá tra theo hướng bền vững

Ngày 7-12, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa, nuôi cá tra theo hướng bền vững”.

Hội thảo kiến nghị Nhà nước đầu tư mạnh cho công tác ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ trong chọn tạo giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu; khôi phục, phát triển loại hình kinh tế hợp tác để tạo thuận lợi cho đầu tư, liên kết sản xuất lớn, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, trong đó liên kết 4 nhà phải được quan tâm hàng đầu.

Việc xã hội hóa công tác nhân giống, nâng cao trình độ canh tác lúa bền vững cho nông dân, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu, hệ thống thông tin thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Đặc biệt, cần có cơ chế bảo đảm cho thu nhập của người trồng lúa tăng lên. Đối với cá tra, Nhà nước cần ban hành quy trình nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường theo chuẩn quốc tế; ban hành quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật cá tra nguyên liệu, thức ăn nuôi cá để có cơ sở kiểm tra, quản lý chất lượng trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối mặt hàng này.



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường