Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, thị trường gạo năm 2011 có nhiều diễn biến khó lườn, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippine có sự điều chỉnh chính sách theo hướng tư nhân hóa hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, công tác điều hành đã được triển khai linh hoạt để đẩy mạnh các giao dịch xuất khẩu. Kết quả là, tới 8 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 4,982 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt 2,361 tỷ USD, tăng 11,14% về số lượng và tăng 2,26% về trị giá FOB so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 473,82USD/tấn, tăng 43 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, về xuất khẩu, năm 2011, Việt Nam không những duy trì được các thị trường truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới và tăng cường giao dịch thương mại. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011 chắc chắn đạt vượt mức kỷ lục năm 2010. Theo kế hoạch của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có thể lên đến trên 7 triệu tấn.
Về vấn đề lưu thông gạo phục vụ thị trường nội địa, ông Phong cho biết, nếu không có đột biến về sâu bệnh và thời tiết, lượng gạo hàng hóa dành xuất khẩu cả năm 2011 khoảng 8 triệu tấn, chưa kể lượng tồn kho khoảng 0,8 triệu tấn năm 2010 chuyển sang, đủ để cân đối cho nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2011 và đầu năm 2012. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa mùa đạt năng suất cao, hiện ta đang có lúa hè thu, thu hoạch xong có lúa thu đông, lúa mùa, đông xuân sớm, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng cung ứng gạo dự trữ kho để bổ sung lượng gạo bình ổn nội địa khi cần thiết. Ông Phong khẳng định, thị trường không thiếu gạo cho tiêu dùng nội địa.
Trong những tháng cuối năm 2011, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị có liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên thông tin về diễn biến thị trường cung cầu trong và ngoài nước, khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng khi có chân hàng, tăng cường kiểm ra chân hàng trước khi đăng ký hợp đồng, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá, điều tiết tiến độ ký hợp đồng và giao hàng để tránh hiện tượng sốt giá giả tạo; tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh công tác phối hợp để có biện pháp, định hướng, tham mưu kịp tời và sẵn sàng ứng phó với các biến động thị trường khi cần thiết.
Theo KTNT