Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ mùa tiêu Việt Nam sẽ định hướng thị trường
14 | 09 | 2011
Thị trường hạt tiêu thế giới biến động thất thường mấy ngày qua. Giá hiện đang ở mức cao kỷ lục và dự báo trong trung hạn (tháng 9-12/2011), xu hướng giá thế giới sẽ phụ thuộc vào lượng tồn kho ở Ấn Độ và Việt Nam, và vào sản lượng vụ mới của Việt Nam và Brazil.

Trên thị trường Ấn Độ, sau khi tăng vọt phiên đầu tuần, hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giá giảm trở lại vào hôm nay 14/9, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 10 và 11 tiếp tục tăng.

Được giá, những người có hàng bắt đầu tỏ ý muốn bán. Biên độ dao động giá lên tới 300 rupee/100 kg.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giá giảm 8 rupee xuống 33.700 rupee/100 kg, còn hợp đồng tháng 10 và 11 tăng lần lượt 140 rupee và 141 rupee lên 34.641 rupee và 35.100 rupee/100 kg.

Giá hạt tiêu xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục. Hạt tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu giá 7.700 đô la/tấn (C&F). Đồng rupee giảm giá mạnh so với đô la càng làm tăng sức cạnh tranh của hạt tiêu Ấn Độ so với các xuất xứ khác, trừ Brazil.

Hạt tiêu Việt Nam giá đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử, 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng so với tháng trước và gấp đôi so với cùng thời gian này năm ngoái. Hạt tiêu xuất khẩu loại 500 gram/lít giá hiện đạt 7.100 đô la/tấn.

Với nguồn cung khan hiếm, dự báo giá sẽ còn tiếp tục vững hoặc tăng từ nay tới cuối năm.

Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo sản lượng tiêu toàn cầu 2011 sẽ giảm 2% xuống 309.952 tấn. Dự trữ gối vụ sẽ giảm mạnh xuống 94.582 tấn, so với 95.442 tấn của vụ trước. Xuất khẩu tiêu toàn cầu sẽ giảm 11% xuống 237.650 tấn.

Sản lượng tiêu Ấn Độ vụ 2010/11 sẽ ở mức 48.000 tấn. Sản lượng tiêu Việt Nam, Brazil và Indonesia năm nay dự báo sẽ đều giảm. Lượng tồn kho thấp ở cả 3 nước này chắc chắn sẽ là cơ hội để Ấn Độ gia tăng xuất khẩu hơn nữa trong những tháng tới, sau khi xuất khẩu tăng 21% trong giai đoạn tháng 4-6/2011 lên 5.750 tấn.

Giá hạt tiêu thế giới

Xuất xứ

Giá ngày14/9

Ấn Độ Asta

7.700 đô la/tấn (c&f)

Việt Nam 500 GL

7.100 đô la/tấn (cfr)

Malaysia Asta

7.850 – 7.900 đô la/tấn

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường