Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam vừa có cuộc họp tại Tp.HCM sau khi Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) quyết định sẽ mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê trong niên vụ 2011 – 2012 nhằm tạo sự ổn định về tâm lý cho người trồng cà phê khi bước vào vụ. Đồng thời giúp các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giữ được giá trên thị trường thế giới.
Niên vụ cà phê 2010-2011, Việt Nam xuất khẩu 1.250.000 tấn cà phê. Trong đó, 20 doanh nghiệp cà phê xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam chiếm 700.000 tấn, đạt 56% tổng lượng cà phê xuất khẩu, so với những năm trước là khoảng 80%.
Giải thích sự sụt giảm này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cho rằng, do doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được do thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao. Thực tế, trong niên vụ cà phê 2010-2011, đến tháng 4, nông dân đã bán hết cà phê cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nghĩa là Việt Nam đã bán hết cà phê khi giá thấp, còn khi giá cao các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu bán lại lượng cà phê mua của Việt Nam để kiếm lời.
Còn khoảng 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cà phê mới nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường xây dựng kho chứa, chỉ định các đại lý để mua cà phê trực tiếp từ người dân. “Hiện các doanh nghiệp cà phê nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý mua cà phê, tăng 35% so với năm trước. Và với tình hình này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua trên sân nhà”, ông nói.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải thay đổi phương thức kinh doanh, tức là phải mua tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ để có lợi cho cả người sản xuất và nhà kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng công ty cà phê Việt Nam cho rằng, ở thời điểm đầu vụ hầu hết nông dân đều có nhu cầu bán hàng nên phải bán ra một lượng hàng lớn. Nhiều người bán cùng một thời điểm làm giá hạ thấp xuống. Vì vậy doanh nghiệp nên chủ động mua hàng vào nhưng để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện giữ hàng lại và chờ đợi cần có sự hợp tác của ngân hàng. Ngoài ra, khi doanh nghiệp mua hàng vào thì phải mua bảo hiểm cho số hàng đó. Đây là phương thức kinh doanh mới và cần có sự phối kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Vicofa đề xuất mua tạm trữ cà phê của nông dân thông qua hỗ trợ của Chính phủ. “Việc tạm trữ là rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trước sự xuất hiện ồ ạt của các công ty nước ngoài ở Việt Nam như hiện nay. Nếu có trong tay lượng hàng ổn định, nông dân không bán tháo hàng cho doanh nghiệp nước ngoài buộc họ phải vào sàn giao dịch để mua hàng của Việt Nam, lúc đó các doanh nghiệp mới không bị ép giá”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, bài học của năm 2010 cho thấy, nước ngoài vẫn mua vào tạm trữ và họ đã thành công, còn chúng ta đứng ngoài cuộc. Theo đó, quan điểm của Hiệp hội là năm nào cũng phải mua tạm trữ ngay từ đầu vụ, như vậy mới có cơ hội điều tiết thị trường này. Hàng năm phải giữ 300.000 tấn để người dân không bán hàng ồ ạt, làm cho giá xuống. Nếu đầu vụ không tạm trữ thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá. Hiện nay trên thị trường thế giới có 350.000 tấn cà phê, nước ngoài sẽ tiếp tục không mua và đẩy vào tình thế không có ai mua. Nhưng khi hàng của Việt Nam được trữ, hàng trên thế giới đã hết thì họ buộc phải hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011 – 2012 của cả nước khoảng 1 – 1,2 triệu tấn, giá thu mua dao động mức 45 triệu đồng/tấn. Với niên vụ này, hiện các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia tạm trữ đạt con số 425.000 tấn với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Quân đội. Dự kiến ngân hàng sẽ hỗ trợ vốn với thời gian tạm trữ từ tháng 11/2011 đến tháng 1/2012.
Theo VnEconmy