Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Doanh nghiệp nhà nước phải được xã hội giám sát!”
26 | 09 | 2011
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, cho rằng việc công khai thông tin hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước “nhìn thì tưởng đó là việc đơn giản, dễ làm, nhưng nếu thực hiện được, đó sẽ là “cú nhảy vọt” cho sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước”.
Ông Cung nói:
Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước luôn có “lợi thế” là khi làm ăn có lãi thì họ cho đó là sự thành công của họ, nhưng lúc thua lỗ lại đổ tại vì phải gánh vác những trách nhiệm xã hội mà Nhà nước giao cho, và yêu cầu giải cứu... 
Như thế là không sòng phẳng, và vô hình trung trở thành rào cản cho chính họ trên con đường tiến tới sự phát triển tích cực hơn.
Muốn tốt cho doanh nghiệp nhà nước, cần đặt các doanh nghiệp này vào áp lực cạnh tranh và bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác. Và khi cũng phải đối mặt với những rủi ro thị trường, tôi nghĩ họ sẽ có những thay đổi theo hướng tốt lên đối với người dân cũng như dư luận xã hội trong cách ứng xử.
Muốn làm được điều này, công khai hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là một trong những cách làm mang tính chất quyết định nhất. Các doanh nghiệp nhà nước không thể vận hành theo cơ chế thị trường chừng nào họ chưa công khai minh bạch hoạt động của mình và luôn mang nặng tư tưởng rằng không cần dấn thân, có sáng kiến đổi mới, họ vẫn được hưởng thành quả xứng đáng hơn những gì họ đã bỏ ra, và nếu có gây ra sai sót, họ có thể cũng không phải chịu trừng phạt gì. 
Không có công khai, minh bạch thì hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ vẫn còn tồn tại những hành vi mua bán dự án, tìm kiếm mối quan hệ, đầu cơ... Vì vậy, cần buộc các doanh nghiệp nhà nước phải công khai hóa, minh bạch thông tin với một tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính. 
Tôi nhấn mạnh đến sự “khắt khe” là vì doanh nghiệp nhà nước không phải sở hữu của cá nhân, tập thể nào mà là sở hữu của toàn xã hội, nên cần phải được xã hội giám sát quá trình hoạt động, kinh doanh của họ. Các mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp nhà nước cũng cần được công bố và cả những chương trình kế hoạch cho 5 năm.   
Nhưng, nếu buộc các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu áp lực cạnh tranh như các thành phần kinh tế khác, đồng thời công khai, minh bạch hoạt động, thì liệu có là bất công với họ vì các doanh nghiệp nhà nước còn phải gánh trách nhiệm xã hội?
Tôi cho rằng Nhà nước không nên tiếp tục giao trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp nhà nước như trách nhiệm điều tiết thị trường, điều tiết vĩ mô..., bởi sử dụng họ như thế  là trái với quy luật thị trường. 
Chúng ta vẫn phải quản lý thị trường bằng luật pháp, chứ không phải chỉ là giao trách nhiệm này riêng cho khối doanh nghiệp nhà nước.
Tốt nhất, đã là doanh nghiệp thì nên để họ hoạt động thuần túy theo nguyên tắc kinh doanh, không nên sử dụng doanh nghiệp như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội.
Chẳng hạn với việc cung cấp điện, đã đến lúc Nhà nước phải đảm bảo tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội phân phối điện như nhau chứ không phải chỉ  giao cho một công ty độc quyền... Như thế, Nhà  nước vừa đỡ mất công quản lý để doanh nghiệp này không dùng vị thế độc quyền chi phối thị trường, hoặc lợi dụng vị trí độc quyền để gây tổn hại cho người tiêu dùng, vừa đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp... 
Đã và đang nghiên cứu rất sâu về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, ông có thể cho biết tâm tư khi thực hiện nghiên cứu này?
Đầu tư nhà nước, trong đó có đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng vào thành công của mô hình tăng trưởng hiện nay. Tuy vậy, thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, năng suất thấp, hiệu quả thấp đã đến mức tận khai và cần được thay đổi.
Đầu tư nhà nước gia tăng  là một trong các nguyên nhân làm mất cân đối vĩ mô, qua đó, làm cho kinh tế vĩ mô  ngày càng trở nên bất ổn định.  Đầu tư nhà nước tăng làm tăng bội chi ngân sách, tăng chênh lệch giữa tiết kiệm và  đầu tư, làm trầm trọng thêm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai; làm gia tăng nợ quốc gia... 
Tất cả diễn biến này đã và đang làm suy yếu các yếu tố nền tảng vĩ mô của nền kinh tế, làm suy yếu vị thế và khả năng của Chính phủ trong quản lý kinh tế vĩ mô; làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi từ bên ngoài; khiến kinh tế vĩ mô mong manh, thiếu ổn định.
Điều đáng lưu ý là trong những năm gần đây vốn đầu tư thực tế từ ngân sách luôn cao hơn khá nhiều so với vốn đầu tư dự kiến theo kế hoạch. Ví dụ, năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách dự kiến là 125,5 ngàn tỷ đồng, thì thực tế thực hiện lại vào khoảng hơn 180 ngàn tỷ đồng, tức là 55,5 ngàn tỷ cao hơn dự kiến, tương đương 2,7 tỷ USD, bằng khoảng 2,7% GDP năm 2010. 
Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào có thẩm quyền thay đổi các khoản chi của ngân sách đã được phê duyệt? 
Nếu chỉ đầu tư theo kế hoạch, thì bội chi ngân sách năm 2010 chỉ khoảng 3,5%, một tỷ lệ lý tưởng trong bối cảnh hiện nay để ổn định kinh tế vĩ mô. 
Và nếu bội chi ngân sách chỉ khoảng 3,5% GDP, thì chính sách tài khóa đã bổ sung, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong chống lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, không bất ổn đến mức báo động như những gì chúng ta đang chứng kiến. 
Theo VnEconomy


Báo cáo phân tích thị trường