Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang thiếu nguyên liệu trầm trọng
24 | 09 | 2011
Đến nay, hầu như các loài cá trích, cá mòi tại miền Trung không còn đánh bắt được nữa và cách đây mấy năm, cá bánh đường vẫn xuất khẩu đi thị trường Nhật thì nay cũng đã cạn. Nhiều năm nay, ngư dân vẫn chưa thay đổi thói quen khai thác, kỹ thuật còn lạc hậu, tàu khai thác cũ kỹ, thô sơ, công suất nhỏ, nguồn tài nguyên gần bờ gần như cạn kiệt.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (Havuco) cho biết, mấy năm trước đây, sản lượng khai thác cá ngừ trong nước đủ cho một số nhà máy hoạt động nhưng hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào nguồn nguyên liệu trong nước thì hàng loạt các nhà máy sẽ phải đóng cửa. Giải pháp mà công ty ông Nam chọn là nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài.
Cũng tương tự Havuco, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương cho biết, hiện nay công ty có 4 xưởng chế biến thủy sản gồm 1 xưởng chế biến bánh nhân thủy sản với khối lượng xuất khẩu 1.200 tấn/năm, 1 xưởng chế biến cá hồi, cá tuyết, saba... với công suất 500 - 600 tấn/năm, 1 xưởng chế biến bạch tuộc với công suất 350 tấn/năm và 1 xưởng chế biến bạch tuộc sashimi công suất 80 - 100 tấn/năm. Để có nguyên liệu cho 4 xưởng sản xuất này, công ty phải nhập 50% từ nước ngoài vì nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng công suất chế biến. Đối với mặt hàng cá tuyết, công ty phải nhập khẩu 100%. Đối với mặt hàng mực, bạch tuộc, công ty gặp không ít khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu mặc dù hiện nay công ty đang có tới 13 đại lý‎ thu mua nguyên liệu trên toàn quốc. Hầu hết các đại l‎‎‎ý đều báo cáo là có hiện tượng thương lái nước ngoài (nhất là Trung Quốc) đổ xô vào thu mua nguyên liệu, đẩy giá tăng cao.
Năm ngoái, công ty mua bạch tuộc với giá trung bình khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, năm nay giá tăng vọt lên 64.000đ - 74.000 đồng/kg. Ngoài hiện tượng thương lái nước ngoài ồ ạt vào tranh mua nguyên liệu thủy sản của Việt Nam, sản lượng khai thác trong nước không ổn định do tính chất mùa vụ, nguồn nguyên liệu hải sản khan hiếm còn do nguồn lợi hải sản cạn kiệt, chi phí đầu vào như xăng dầu tăng cùng với chi phí tiêu dùng tăng khiến các chủ tàu cũng phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi đi biển, làm cho giá đội lên. Thông qua nậu vựa người Việt, thương lái Trung Quốc mua thủy sản với yêu cầu chọn lựa một cỡ nhất định và chấp nhận giá cao.
Ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc Công ty xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa (Khaspexco) cho biết, 2 năm trở về trước, mỗi năm công ty chế biến được từ 1.200 – 1.500 tấn thủy sản thành phẩm, nhưng năm 2010 khối lượng đã giảm một nửa. Năm nay tình hình có thể còn kém khả quan hơn.
Cho đến thời điểm này, Khaspexco đã “đánh mất” hai mặt hàng vốn được coi là thế mạnh của công ty là cá bò da và cá đổng cờ do không cạnh tranh nổi với thương lái Trung Quốc. Họ tận thu tất cả nguyên liệu tại các bến bãi với giá mua hấp dẫn. Năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu của Khaspexco chỉ đạt 8 triệu đô la, giảm hẳn 2 triệu đô la so với năm trước.
Năm nay, nguồn nguyên liệu trong nước vốn đã khan hiếm lại cộng thêm sự tranh giành khốc liệt từ phía thương lái Trung Quốc càng khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Đến nay, nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng công suất của Khaspexco nên công ty buộc phải gia công cho một số doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp Trung Quốc để đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động làm việc tại nhà máy.
Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu thủy sản không hề dễ dàng. Theo quy định của Bộ Tài chính thì nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu có thời hạn nộp thuế là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Các doanh nghiệp đã gặp phải không ít khó khăn vì quy định này. Mặc dù đây chỉ là con số thuế ảo (khi nhập vào ghi là nợ thuế và sau khi xuất khẩu đúng hạn thì bù trừ), nhưng với Công ty Havuco thường xuyên bị “treo” một khoản từ 60 - 70 tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải làm và lưu trữ một lượng hồ sơ rất lớn từ đầu vào, đầu ra đến khi thanh khoản. Với thủ tục này, doanh nghiệp không dám mua nhiều và càng không dám trữ nhiều nguyên liệu.
Trước tình trạng nguyên liệu thủy sản trong nước thiếu hụt lại bị thương nhân Trung Quốc cạnh tranh mua ngay trên “sân nhà”, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang thiếu nguyên liệu trầm trọng và biện pháp mà các doanh nghiệp này lựa chọn là nhập khẩu nguyên liệu.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường