Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê có điều kiện, một đề xuất chưa hợp lý
27 | 10 | 2011
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Bộ Công Thương trình bày quan điểm của bộ này về xuất khẩu cà phê có điều kiện, đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều nhau trên các phương tiện truyền thông.

 

Để rộng đường dư luận, Chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết phân tích vấn đề xuất khẩu cà phê có điều kiện của tác giả Kinh Vu, một chuyên gia cà phê đã đăng tải trên website Giacaphe.

Việc đặt điều kiện doanh nghiệp có 2 năm xuất khẩu cà phê trở lên cũng có nghĩa là chặn đứng sự xuất hiện thêm những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong tương lai.

Điều này cũng tương tự như chính sách tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp mà đòi hỏi phải có 2 năm kinh nghiệm trở lên. Lấy đâu ra để có 2 năm kinh nghiệm nếu như chúng ta không bao giờ tuyển sinh viên vừa ra trường vào làm việc?

>>Xuất khẩu cà phê phải có … giấy phép

>>Một phần ba doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ rời thị trường

>>Bộ Nông nghiệp trấn an doanh nghiệp cà phê

Thực chất của việc “thua ngay trên sân nhà” không phải có nguyên nhân từ công ty nhỏ hay to. Bằng chứng là chúng ta đã thấy có công ty xuất khẩu cà phê chiếm đến 20% tổng sản lượng cà phê robusta Việt Nam mà vẫn thua cháy túi. Hoặc chúng ta cũng đã có nhà xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu nhưng nay cũng phải đành im hơi lặng tiếng để dành sân chơi arabica lại cho những nhà sản xuất và xuất khẩu nhỏ hơn.

Ngoài ra chúng ta còn có nhiều nhà chế biến cà phê xuất khẩu được cho là lớn, có thừa kho tàng nhưng thiếu cà phê để chế biến bởi bị hụt vốn thu mua.

Cái thua không phải ở chỗ xuất hàng đi nhiều hay ít, xuất khẩu ít mà chất lượng cao khiến nhiều đối tác đòi dành mua độc quyền thì cũng nên ít. Xuất nhiều mà xù hợp đồng nhiều, giao hàng trễ nhiều thì cũng không cần những cái nhiều như thế, nên tìm cách bỏ bớt đi mới gọi là đúng lúc.

Chính đó mới là điều tích cực nhằm xác định vị thế của cà phê Việt nam trên thị trường thế giới một cách hiệu quả nhất chứ chẳng phải nhờ công ty to mà nâng cao được tiếng nói trên thương trường.

Để xuất khẩu được các loại cà phê nhân có chất lượng cao như cà phê qua chế biến ướt thường phải có các khách hàng đặt biệt. Khách hàng này chọn lựa người bán có uy tín không phải vì số lượng nhiều hay ít mà là uy tín có từ phương pháp chế biến hàng hóa và thời hạn giao hàng cho bên mua luôn được bảo đảm.
Để có được uy tín nhằm bảo đảm cho điều đó, một doanh nghiệp chắc chắn phải đi qua một thời gian dài để gầy dựng từ nhỏ cho đến lớn, từ buôn bán trong thị trường nội địa cho đủ lớn mạnh rồi mới ra ngoài “đại dương”.

Chưa nói đến việc để sản xuất 2.000-3.000 tấn cà phê nhân từ chế biến ướt thì cần phải cần tới 12.000-18.000 tấn quả tươi trong khoảng thời gian chỉ 2 tháng. Muốn làm được một số lượng như thế không phải là điều đơn giản, từ khâu tổ chức chế biến cho đến việc tìm kiếm và kết nối khách hàng.

Nếu công văn 290 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biến thành điều kiện thực sự thì chúng ta đã thực sự thành công trong việc chặn đứng những nhà sản xuất có tâm huyết với ngành chế biến cà phê nhân chất lượng cao.

Gần 70% doanh nghiệp trong tổng số 160 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả (theo lời của Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Páht triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây) là một tỷ trọng khá lớn. Điều đó chứng tỏ việc thua trên sân nhà có nguyên nhân từ một điều gì khác mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu thay vì lấy cớ đó để thiết lập rào cản ngăn chặn những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhỏ.

Ước muốn làm cho ngành cà phê Việt Nam mạnh hơn là điều ai cũng mong đợi. Tuy nhiên việc mạnh hơn đó phải đi đôi với lợi ích của nhiều phía, nhất là nông dân, nhờ vậy mà bán được sản phẩm của mình làm ra với giá cả hợp lý để đủ nuôi sống và tái sản xuất mới là cái mạnh có ý nghĩa. Bằng không, đó cũng chỉ là sự mạnh lên của một nhóm lợi ích gây lũng đoạn thị trường nhờ sự nuông chiều của chính sách mà thôi.

Ngày 7/10/2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 290/BNN-CB gửi Bộ Công Thương về việc kinh doanh cà phê có điều kiện.

Theo đó, điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 1 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường