Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hải sản mất giá, khó xuất khẩu vì bảo quản kém
31 | 10 | 2011
Không đánh bắt được cá, ngư dân lỗ đã đành, nhưng ngay cả trúng cá nhiều khi cũng chỉ có thể bán làm mắm. “Cá tươi giá 20.000 đồng/kg, cá sử dụng cho muối mắm chỉ 10.000 đồng/kg”, ông Lê Văn Quốc, một ngư dân than.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do không biết kỹ thuật sơ chế, hạn chế về phương tiện bảo quản sau khai thác, nên chất lượng hải sản giảm sút và mất giá. Thu nhập của ngư dân vì vậy bấp bênh.

Chênh lệch đến năm lần

Cảng cá Hòn Rớ và chợ thuỷ sản đầu mối Nam Trung bộ (Khánh Hoà) liên tục đón những chuyến tàu câu cá ngừ đại dương cập bến. Tại đây, những con cá ngừ đại dương nhìn bên ngoài như nhau, nhưng chất lượng và giá cả có sự chênh lệch lớn. Anh Tư Bốn, một chủ vựa thu mua cá ngừ nói cũng là con cá ngừ cùng kích cỡ, khối lượng, khai thác một thời điểm nhưng giá không giống nhau. “Cá được bảo quản tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 140.000 đồng/kg; bảo quản không đúng cách, giảm phẩm chất thì giá bằng chừng 1/5 và chỉ có thể tiêu thụ nội địa, không thể xuất khẩu được. Các chủ vựa thu mua phân chia cá thành ba loại, với mức giá chênh lệch nhau khá xa”, anh Tư Bốn cho biết.

Sản lượng đánh bắt cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung bộ đạt hơn 2 vạn tấn mỗi năm, trong số đó đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều. Điển hình như tại Khánh Hoà, sản lượng mỗi năm ước đạt 10.000 tấn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 2.500 tấn. Nguyên nhân do ngư dân vẫn dùng phương pháp bảo quản bằng đá lạnh và không thể kéo dài quá lâu thời gian bảo quản. Phú Yên là cái nôi của nghề đánh bắt cá ngừ nổi tiếng trong và ngoài nước, với 700 tàu thuyền công suất lớn hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mỗi năm, ngư dân tại đây đánh bắt được trên 5.000 tấn cá ngừ (riêng từ đầu năm 2011 đến nay đã đánh bắt được khoảng 5.900 tấn). Tuy nhiên chỉ 24 – 30% sản lượng được xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ và Đông Bắc Á mang về kim ngạch chỉ trên 10 triệu USD/năm.

Thạc sĩ Phan Xuân Quang, viện Khoa học và công nghệ khai thác thuỷ sản, đại học Nha Trang cho biết thường mỗi chuyến biển hiện nay kéo dài 25 ngày, trong đó thời gian đi về đã hết năm ngày. 20 ngày khai thác và không thể ở lâu hơn vì ở lâu cá bị hư, giảm phẩm chất, giá sụt giảm. “Nếu bảo quản tốt ở trên biển lâu hơn, thì chuyến biển sẽ hiệu quả hơn”, ông Quang khẳng định.

Trưởng phòng quản lý khai thác, nguồn lợi và môi trường thuỷ sản, chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà Võ Khắc Én, cho biết năm nay sản lượng khai thác ở tỉnh đã đạt gần 70.000 tấn. Thế nhưng cá chọn (cá thu, cá ngừ...) đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu chỉ 40 – 50%. “Khi ngư dân đi câu cá ngừ đại dương đạt sản lượng khoảng trên dưới 2 tấn là phải quay về dù có thể đánh thêm. Nếu ở lại sẽ không đủ lượng đá bảo quản nên cá sẽ giảm phẩm cấp, giá rớt thê thảm, nên sẽ lỗ nặng. Một trong những nguyên nhân do trong số hơn 800 phương tiện khai thác xa bờ ở Khánh Hoà, chưa tàu nào có hệ thống tủ lạnh. Giá một hệ thống khoảng 300 triệu đồng, ngư dân không đủ tiền với lại cũng chưa quen vận hành, sử dụng”, ông Én nói.

Ngư dân đang lúng túng trong bảo quản hải sản, còn thương lái thì nhập nhằng trong phân loại cá nên ngư dân thiệt đơn thiệt kép. Trong khi đó, nguyên liệu đủ tiêu chuẩn thiếu nên doanh nghiệp phải nhập khẩu cá ngừ về để chế biến xuất khẩu. Chính vì vậy, cải thiện phương pháp bảo quản, cải tạo tàu thuyền để đánh bắt dài ngày... nhằm thu hoạch cá tốt đạt 90 – 100% thì ngư dân lẫn doanh nghiệp mới có thể tăng doanh thu và lợi nhuận.

Lúng túng

Hiện ngư dân Nam Trung bộ đều bảo quản bằng phương pháp ướp đá, song ngay cả thiết kế thùng đựng đá cũng có vấn đề. Bởi hai lớp gỗ, lớp xốp ở giữa nên đi lâu ngày đá sẽ tan nhanh thành nước. Thậm chí phương pháp sơ chế của ngư dân vẫn làm theo kiểu truyền đời, cá khai thác xong rửa qua và xếp vào thùng. “Cá ít, đá nhiều hay cách xếp không đúng cách cũng sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm do đá tan nhanh. Đáng lẽ sau khi khai thác, đặc biệt là cá ngừ đại dương ngư dân phải nhanh chóng làm chết và nhúng vào nước lạnh sau đó mới xếp từng lớp vào hầm...”, ông Quang nói.

Ông Lê Văn Quốc, chủ tàu cá ở phường Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định nói khi không đánh bắt được cá, lỗ là tất nhiên. Ông Quốc nói: “Nhiều chuyến đi biển trúng cá về đến nơi chỉ có thể bán làm mắm. Cá tươi giá 20.000 đồng/kg, cá sử dụng làm muối mắm giá chỉ 10.000 đồng/kg. Khó khăn nhất là mỗi chuyến biển đi khoảng 20 ngày, tốn khoảng 100 triệu đồng, nhưng không dám ở thêm vì ở thêm cá sẽ giảm chất lượng, giá giảm”.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam, chủ tịch hội Nghề cá Khánh Hoà đưa ra giải pháp tổ chức thành lập các tổ đội liên kết như mô hình ngư đội Trường Sa. Sẽ phân công tàu bám biển khai thác, tàu vận chuyển về bờ. “Nhưng khi sóng gió lớn thì mô hình này gặp khó do không thể cập mạn để sang cá. Chính vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ của các đơn vị thu mua, có phương tiện, thiết bị hiện đại, với sự đầu tư của Nhà nước”, ông Lăng đề nghị.

Trung tâm Khuyến ngư quốc gia đang triển khai dự án Sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển, do đại học Nha Trang chủ trì thực hiện từ tháng 10.2011 đến cuối năm 2013 tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà. Thạc sĩ Phan Xuân Quang, chủ nhiệm dự án cho hay, sẽ tập huấn cho các chủ tàu cá phương pháp sơ chế, sử dụng đá lạnh để hạn chế quá trình biến đổi của hải sản trong thời gian dài ngày… “Có lẽ đây là giải pháp cần thiết trong lúc chờ Nhà nước có những giải pháp tối ưu như hỗ trợ hầm lạnh cho ngư dân. Muốn nâng cao hiệu quả đánh bắt, tăng thời gian khai thác, ngư dân an tâm khai thác xa bờ dài ngày thì việc bảo quản sản phẩm là yếu tố cực kỳ quan trọng”, thạc sĩ Quang kết luận.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường