Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu sức mua, giá cà phê xuống dưới 40.000 đồng/kg
01 | 11 | 2011
Thiếu sức mua đã khiến giá cà phê nhân xô robusta sáng nay, 1/11 - ngày đầu tiên của tháng thứ 2 của niên vụ cà phê 2011/2012- tại các tỉnh Tây Nguyên rớt xuống dưới mốc kháng cự 40.000 đồng/kg trong khi dự kiến một tuần nữa nông dân bắt đầu thu hái rộ.

Giá đóng cửa thị trường kỳ hạn robusta thế giới trong tháng 10

Dự báo được mùa

Tháng 10, tháng đầu tiên của niên vụ mới đã qua. Nếu như đầu tháng, mấy cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã đưa mưa về, làm chậm ngày thu hoạch theo dự kiến ban đầu, thì nửa cuối tháng 10, thời tiết hết sức thuận lợi đã giúp trái cà phê càng ngày càng chắc hạt và chín đều. Nhiều nơi ở các vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ bắt đầu thu hái dần. Nắng tốt, cà phê được phơi sấy tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có một mùa cà phê đạt chất lượng tốt. Một số nơi dự kiến hái rộ trong vòng một tuần nữa.

Sản lượng niên vụ 2011/12 của Việt Nam cũng được nhiều người dự báo tăng nhờ các yếu tố sau: một là do thời tiết khá thuận lợi từ khi ra hoa cho đến khi trái chín; hai là giá cả trong niên vụ 2010/11 cao, hợp lý, nông dân có lời nên kích thích họ đầu tư thêm các khâu chăm sóc, phân bón…; ba là nhờ giá nội địa trong mấy năm qua càng ngày càng tăng tốt, nhiều nơi đã mở rộng thêm diện tích và đến nay bắt đầu khai thác vụ đầu và hái bói.

Hiện còn quá sớm để có con số cụ thể về sản lượng. Thường, chỉ đến khi nông dân thu hái, phơi phóng xong, bây giờ họ mới nói được sản lượng của mình được hay mất. Tuy nhiên, nếu so sánh sản lượng niên vụ cũ: xuất khẩu chừng 1,2 triệu tấn và hàng xuất cho tháng 10-2011 này chừng 35.000 - 45.000 tấn chủ yếu hàng vụ cũ, ta không thể chối cãi được rằng niên vụ 2010/11đã qua là một niên vụ được mùa với chừng 1,25 triệu tấn. Hiện nhiều người ước sản lượng niên vụ này 2011/12 phải nằm trên con số đó, có thể ở mức 1,3 triệu tấn.

Rớt giá quay trở lại?

Được mùa, nhiều người rất mừng nhưng lại đang lo rớt giá. Giá trong tháng đầu tiên của niên vụ mới rớt thật. Nếu như giá đóng cửa thị trường kỳ hạn robusta Liffe cơ sở giao dịch tháng 1-2012 ngày đầu tháng (1-10-2011) ở mức 2.014 đô la/tấn thì có lúc trong tháng chỉ còn dưới 1.850 đô la/tấn. Giá kỳ hạn robusta Liffe trong tháng chủ yếu nằm quanh mức 1.900 đô la/tấn, mất trên 750 đô la so với giá đạt trong tháng 3-2011 vừa qua. Rất đáng tiếc, giá kỳ hạn robusta Liffe đóng cửa hôm qua, thứ Hai 31-10 tại London (tức rạng sáng hôm nay 1-11-2011 giờ Việt Nam) mất thêm 77 đô la, chỉ còn 1.822 đô la/tấn cơ sở tháng 1-2012, mất gần 200 đô la/tấn so với ngày đầu tháng.

Giá cà phê nhân xô nội địa có nhiều phen phải quay về mức 40.000 đồng, mức tâm lý quan trọng với nông dân. Vì với mức này, nhà nông mới được bảo đảm có lời để còn phấn khởi sản xuất. Song, cũng phải nói rằng, ngay trong tháng này, giá nội địa ít lên được mức 45.000 đồng/kg, một mặt do giá kỳ hạn robusta Liffe xuống sâu, mặt khác giá xuất khẩu cho vụ mới cũng bị khách hàng trả giá trừ lùi lớn so với giá Liffe.

Với Liffe đóng cửa rớt sâu, giá nội địa chính thức mất mốc 40.000 đồng, để chỉ còn chừng 39.000 đồng/kg sáng nay tại các vùng nguyên liệu. Giá xuất khẩu loại 2, 5% được khách hàng chào mua trong mức trừ lùi 70 - 80 đô la/tấn dưới giá TTKH Liffe cho giao hàng tháng 12-2011.

Nhiều nhà phân tích thị trường trong nước cho rằng giá xuống chủ yếu là do sản lượng vụ mùa này của ta lớn và khách hàng mua đang tìm cách ép giá. Điều đó chỉ đúng ở một phần rất nhỏ trong bức tranh tổng thể hết sức phức tạp.

Kinh tế thế giới làm xấu giá cà phê

Trong tháng 10 qua, có nhiều yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cà phê thế giới và trong nước. Vấn đề giải quyết khủng hỏang nợ tại các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) chỉ mới tìm được lối ra tạm thời vào ngày thứ năm 27-10 tuần trước. Trong suốt cả quá trình thương lượng cho số phận các “cục nợ” vùng eurozone như Hy Lạp, Ireland, Bồ đào nha, rồi Italia, Tây Ban Nha…cứ một lần có đàm phán là một phen giá cà phê lại đảo điên, có phiên giá trong một ngày giao động điên dại trong khung 180 đô la, từ mức thấp nhất đến mức cao nhất.

Giá robusta Liffe neo chặt theo số phận của mình với đồng đô la Mỹ: hầu như khi đồng đô la tăng, thì giá cà phê kỳ hạn giảm chóng mặt như trường hợp hôm nay; và ngược lại. Mặt khác, khủng hoảng nợ tại châu Âu đã làm cho các ngân hàng cho vay kinh doanh hàng hóa hãm nhanh tín dụng đối với người mua cà phê của ta.

Nên, sức mua cũng bị hạn chế rất nhiều trên các loại thị trường, từ kỳ hạn, đến xuất khẩu và nội địa. Thêm một yếu tố khác, phong trào “Chiếm Phố Wall” nổ ra tại New York, Mỹ và lây lan đến nhiều nơi trong nội địa nước Mỹ rồi sang các nước khác. Những người theo phong trào này đứng lên chống lại các thế lực tài chính, ngân hàng, nay đã trở thành tài phiệt hám lợi…Phong trào này cũng làm “nhụt” tay các quỹ đầu cơ, rút tiền bớt từ các thị trường hàng hóa, và hệ lụy là giá trên hai thị trường cà phê sụp đổ một cách không thương tiếc.

Trước đây, các quỹ đầu cơ làm mưa làm gió trên một số thị trường hàng hóa trong đó có cà phê, thì nay, Ủy ban chứng khoán Mỹ đã có quyết định hạn chế tỉ lệ lượng hợp đồng bán khống và mua khống trên các thị trường kỳ hạn này.

Cũng cần nói thêm rằng, giá giảm trong hoàn cảnh lượng tồn kho có giấy xác nhận chất lượng robusta Liffe (certifieds) cũng giảm lần thứ bảy liên tiếp tính từ đỉnh  được thiết lập đầu tháng 7-2011. Chứng tỏ, lượng tồn kho tuy giảm nhưng vẫn không nhiều như trông đợi, chỉ 67.000 tấn trong vòng 3 tháng rưỡi. Theo báo cáo mới nhất, tính đến giữa tháng 10, lượng tồn kho này vẫn còn trên 350.000 tấn tại các kho ở châu Âu.

Đây chính là cái dây “thòng lọng” thắt giá cà phê robusta trong tháng 10 vừa qua cũng như trong các tháng tới.

Từ đầu vụ đến nay, phải công nhận rằng cứ mỗi lần giá cà phê nhân trong thị trường nội địa dội xuống mức 40.000 đồng/kg thì thị trường trở nên im ắng, chẳng ai thèm mời mọc mua bán. Nhưng rồi, may sao, giá kỳ hạn bấy giờ lại tăng đưa theo giá nội địa qua mức ấy. Tuy nhiên, hiện tượng giá quay lên lại có thể được giải thích rằng ở những thời điểm ấy, hàng cà phê vẫn chưa ra nhiều trên thị trường vì nông dân chưa thu hái xong.

Nông dân và doanh nghiệp đều lo

Nhìn chung, các yếu tố trên đều tỏ ra bất lợi cho giá cà phê robusta nay mai. Một khi thu họach xong, dù ít hay nhiều, nông dân cần phải bán ra để thanh lý nợ nần, trả chi phí thu hái, mùa màng…Một nông dân cà phê tên Trung Ngôn than thở trên mạng như sau:  “Một số bà con cho biết, họ cũng không dám trữ vì sợ giá rớt quá sâu mà bà con cũng cần phải có tiền chi tiêu thường xuyên, những nhà đầu cơ có thể trữ được chứ bà con e không trữ nổi”.

Cùng lúc đó, tin đồn về việc Bộ Công Thương đang có ý định sắp xếp lại hệ thống xuất khẩu cà phê của nước ta trong những ngày tới. Thực hư chưa biết thế nào, nhưng dù sao đây cũng là một tin mừng. Song, thị trường vẫn chưa hết nỗi lo.

Mừng vì sắp xếp lại hệ thống xuất khẩu sẽ hạn chế được hiện tượng mua bán phá giá, mua bán sẽ được điều độ một cách có tổ chức, chuyên nghiệp hơn, và những doanh nghiệp được chọn sẽ vì uy tín mới của mình, lấy lại thanh danh của ngành cà phê, vốn sa sút trong thời gian vừa qua do xù không giao hàng nhiều trong các niên vụ vừa qua đối với bạn hàng nước ngoài.

Nỗi lo không vì thế mà ít đi. Nếu tổ chức lại hệ thống xuất khẩu ngay tại thời điểm này sẽ hạn chế nhiều đường lưu thông của các doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, họ có thể trở nên quan trọng cho đường ra của cà phê, vì họ dễ tìm nguồn vốn hơn và giúp giải phóng một lượng hàng cần thiết nhất định trong bối cảnh được mùa, doanh nghiệp thiếu tín dụng, mất thị trường.

Dù sao, hiện tượng ứ hàng, ứ sản lượng đang xảy ra nhãn tiền. Nếu cà phê xuất khẩu được tung ra thị trường vào cuối tháng 11, thì thời gian chỉ còn chừng chưa đầy 2 tháng là đến Tết. Các quỹ đầu cơ rút vốn trên thị trường kỳ hạn, nhà nhập khẩu và xuất khẩu đều lúng túng trong khâu đi tìm tín dụng nên không mạnh tay mua nhiều, chính sách thu hẹp đầu mối xuất khẩu (nếu thực hiện) làm mất đi một lực mua trong một chừng mực nào đó sẽ là những nguyên nhân chính tạo áp lực bán mạnh khi giá rớt.

Một khi bên bán cần bán, bên mua không muốn mua, giá khó có cơ hội lên cao nếu không muốn nói dễ xuống thấp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường