Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bàn cách định vị thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam
10 | 11 | 2011
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 20% xuất khẩu gạo toàn cầu, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chịu thua gạo Thái Lan trong việc xây dựng thương hiệu, cũng như đưa thương hiệu đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Vắng bóng gạo đặc sản “Made in Vietnam”

Nhắc đến Thái Lan, ai cũng có thể kể tên những giống gạo ngon nổi tiếng của nước này, như gạo Jasmine (gạo thơm này Việt Nam cũng có trồng nhiều và bày bán nhiều ở chợ, siêu thị trong nước), gạo Homali. Những sản phẩm này của Thái có mặt ở nhiều quầy kệ của các siêu thị, nhà bán lẻ trên khắp các châu lục.

Trong khi đó, Việt Nam, mặc dù là nước xuất khẩu hàng năm từ 6 đến 7 triệu tấn gạo đến nhiều thị trường từ châu Á đến châu Phi, châu Mỹ nhưng vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng nước ngoài biết đến. 

“Không hẳn vì gạo Việt Nam không đủ chất lượng, vì thực tế đã có việc nhiều doanh nhân Thái Lan qua mua gạo Việt Nam để đóng bao xuất khẩu đi các nước, thậm chí qua Hongkong, một thị trường tiêu thụ gạo thơm nổi tiếng. Điều này cho thấy hệ quả của việc thiếu vắng thương hiệu cho gạo Việt Nam”,  Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lương thực cho biết.

Trong cuộc họp mới đây do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhận xét, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo của Việt Nam không phải là việc dễ dàng bất chấp kim ngạch xuất khẩu đều tăng trong 5 năm trở lại đây, và có thể đạt kỷ lục 7 triệu tấn gạo trong năm nay.

Theo ông Phong, Việt Nam còn đang sử dụng nhiều giống lúa của Thái Lan như Jasmine, Homali để sản xuất và xuất khẩu, nên không thể sử dụng để xây dựng thương hiệu khi người Thái đã có.

Trong khi đó, nhiều giống lúa “100% Việt Nam” như ST của Sóc Trăng, mặc dù cũng cho hạt cơm dẻo, thơm ngon nhưng chỉ phù hợp với đặc trưng trồng lúa mùa, dài ngày,  sản lượng không đủ lớn để xuất khẩu, chỉ vài chục ngàn tấn mõi năm.

“Muốn làm thương hiệu thì ít nhất cũng đòi hỏi chúng ta phải có khoảng 500.000 tấn gạo/năm để xuất khẩu”, ông Phong nói.

Chất lượng giống cũng là một vấn đề. Theo một chuyên gia khuyến nông, một số giống lúa đặc sản của Việt Nam sau những cải tiến về chất lượng như hạt dài, dẻo, thơm trong thời gian đầu nhưng sau đó thì nhanh chóng thoái hoá trong một vài năm gieo trồng.

Còn theo ông Anthony Lam, Phó chủ tịch công ty Golden Resources, Hong Kong, một đối tác nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam, phát biểu tại hội thảo Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam diễn ra bên lề Festival gạo lần 2 tại Sóc Trăng, thì tạo dựng được thương hiệu, bên cạnh đảm bảo chất lượng vững bền chính là một sự đảm bảo tốt nhất về giá và hợp tác lâu dài giữa nhà xuất khẩu với nhà nhập khẩu, cũng như giữ chân được người tiêu dùng tại thị trường Hong Kong - Trung Quốc đang phát triển mạnh và ngày càng khó tính.

Thương hiệu gạo: Chuyện không của riêng ai

Trắc trở từ khâu hạt giống, thương hiệu cho gạo Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn khác, xuất phát từ việc thiếu sự đầu tư. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, việc Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu về giống lúa  trong quá khứ đã thành công trên chất lượng và năng suất lúa. Công tác chọn giống truyền thống giữ được vai trò chủ lực, bên cạnh đó, nhiều phương pháp ứng dụng từ công nghệ tế bào, công nghệ di truyền, công nghệ tái tổ hợp DNA đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển giống lúa.

Tuy nhiên điều nghịch lý, theo ông Bửu là đầu tư cho khoa học nông nghiệp còn thấp, trung bình chỉ khoảng 30 triệu đô la Mỹ/năm. Phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện được ghi nhận là nhờ đầu tư vốn chiếm 53%, đầu tư lao động 19% và đầu tư khoa học chỉ chiếm 28% thay vì hàm lượng đầu tư cho khoa học chiếm tới 40% giá trị phát triển nông nghiệp như các nước.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã từng đề nghị Chính phủ có chính sách trích 1% kim ngạch xuất khẩu nông sản (20 tỉ đô la Mỹ năm 2010 và ước đạt 23 tỉ đô la Mỹ năm 2011), tương đương 200 triệu đô la Mỹ, gấp 6 lần hiện nay để đầu tư cho nông nghiệp.

Còn theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ, việc khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tiếp trong thời gian qua là kết quả của nhiều yếu tố như hỗ trợ về giá, của việc cải thiện đáng kể công nghệ sau thu hoạch, chứ không hẳn vì gạo Việt Nam đã gây được tiếng vang trên thị trường, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Theo ông Dũng, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam đòi hỏi sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học và đặc biệt là doanh nghiệp, ở nhiều cấp độ, thương hiệu quốc gia, thương hiệu của từng doanh nghiệp, trong khi đó, trong thời gian qua, tình trạng “xù” giao hàng khi thấy giá tăng, phối trộn gạo lung tung, chi phí làm hàng cao do hạ tầng, logistics không đảm bảo đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh gạo Việt Nam trong con mắt người tiêu dùng thế giới. 

“Do vậy, luôn đảm bảo chất lượng, đảm bảo thời gian giao hàng đúng hẹn, cũng chính là một cách làm thương hiệu của doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường