Ông Vương Đình Trị, người đang công tác tại NCSB và cũng là một thành viên trong đoàn khảo sát này cho biết, một nguyên nhân nữa khiến người dân chưa mặn mà với cây đậu nành là hiện chưa có một dịch vụ hay tổ chức nào chịu trách nhiệm cung cấp hạt giống chất lượng tốt cho người nông dân và bao tiêu sản phẩm. “Để nông dân mở rộng diện tích trồng đậu nành, việc đầu tiên là phải làm sao hỗ trợ cho người trồng để họ có lợi nhuận cao”, ông Vương Đình Trị cho biết.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, năm 2010 Việt Nam có diện tích trồng đậu nành vào khoảng 200.000 héc ta, nhưng đến năm 2013 diện tích chỉ còn 120.000 – 130.000 héc ta, năng suất trung bình là 1,5 tấn/héc ta.
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, mấy năm nay diện tích trồng đậu nành của Việt Nam giảm là do giá đậu nành nhập khẩu thường rẻ hơn giá đậu nành sản xuất trong nước, vì thế doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu về để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ép lấy dầu.
Tuy nhiên, đậu nành nhập khẩu không thể làm được các loại thức uống. ông Nguyễn Vặn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), cho biết các doanh nghiệp thường chọn đậu nành trong nước để sản xuất thức uống, vì đậu nhập khẩu để quá 6 tháng chất lượng sẽ giảm, ảnh hưởng đến hương vị của các loại thức uống.
Do người dân không mặn mà với cây đậu nành, mới đây Bộ NN - PTNT có kiến nghị chính phủ hỗ trợ 2 triệu đồng/héc ta tiền giống cho nông dân khi chuyển đổi diện tích canh tác cây lúa chất lượng thấp sang trồng đậu nành, bắp... cho nông dân.
Theo Bộ NN&PTNT, trong ba tháng đầu năm nay, lượng đậu nành nhập khẩu lên đến 502.000 tấn, tương đương 292 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 70% về lượng và hơn 62% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Hiện giá đậu nành giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa ở mức gần 540 đô la Mỹ/tấn, tính ra, giá một ki lô gam đậu nành chỉ vào khoảng 12.000 đồng/kg.