Tháng 8/2017, các nhà làm chính sách Việt Nam thông báo sẽ xóa bỏ cơ chế hạn ngạch và hạ thuế cho tất cả đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác, bắt đầu từ năm 2018, theo các điều khoản của Thỏa thuận Thương mại ASEAN về Hàng hóa (Atiga) – một trong những nỗ lực tao ra một thị trường chung giữa 10 nước thành viên ASEAN. Theo Atiga, Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam được yêu cầu xóa bỏ 97% các dòng thuế đến năm 2018. Hơn nữa, một số hàng hóa nông sản, bao gồm đường, gạo, thịt gà và thịt lợn, sẽ chỉ được phép áp mức thuế 5% kể từ năm 2018 trở đi. Điều này nghĩa là Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường đường nội địa cho các nước ASEAN khác và nhập khẩu với mức thuế thấp hơn nhiều so với mức thuế hiện nay là 80 – 100%.
Thỏa thuận này sẽ giúp hài hòa các hệ thống thuế nhập khẩu đường của ASEAN, trong khi các nhà xuất khẩu ngoại khối sẽ chịu mức thuế đối với đường thô trong hạn ngạch là 25%, và đường tinh luyện trong hạn ngạch là 40%, theo hãng nghiên cứu thị trường CCM. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với đường thô và đường tinh luyện lần lượt là 80% và 85%. CCM cho rằng hệ thống thuế mới này sẽ dẫn tới một lượng đường lớn được nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam.
Là nước sản xuất – xuất khẩu đường lớn nhất ASEAN và lớn thứ 4 thế giới, sản xuất đường hàng năm của Thái Lan hiện đạt khoảng 11 triệu tấn, và được dự báo sẽ tăng lên 20 triệu tấn đến năm 2020. Xét chung, các nước ASEAN chiếm thị phần chỉ khoảng 10% tổng sản lượng đường toàn cầu.
Đồng thời, theo cam kết với WTO, Việt Nam được yêu cầu phải nhập khẩu một lượng đường nhất định hàng năm từ các nước khác. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết năm 2016, sản lượng đường của Việt Nam giảm 13%, mặc dù nhu cầu nội địa vẫn được đáp ứng nhờ lượng đường nhập khẩu. Đòng thời, hoạt động trồng mía giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Việt Nam cũng được được cho là đang có dự trữ đường lớn, lên tới 700.000 tấn trong năm 2017, xuất phát từ một lượng đường nhập lậu rất lớn từ Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.
Sau những thay đổi về cơ chế hạn ngạch và thuế đối với mặt hàng đường trong năm 2018, Việt Nam sẽ bị buộc phải hạ giá đường để những nhà sản xuất nội địa có thể cạnh tranh với nguồn đường nhập khẩu. Các tác nhân trong ngành đường tin rằng vấn đề quan trọng mà Việt Nam phải giải quyết đầu tiên là những quan ngại về giá và chất lượng mía đường, hơn là công nghệ sản xuất. Giá mía đường Thái rẻ hơn do trợ cấp cho nông dân để họ có thể phát triển mía đường chất lượng cao trong sản xuất trồng trọt.
Tháng 1/2017, Hiệp hội Mía và Đường Thái Lan cho biết sản lượng đường năm 2017 của nước này có thể giảm 3,1% xuống còn 9,3 – 9,4 triệu tấn do hạn hán gây ra bởi hiện tượng El Nino. Năm 2016, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm, đã gây thiệt hại cho xuất khẩu đường của Thái Lan. Năm 2017, xuất khẩu đường của Thái Lan được dự báo đạt 6,8 triệu tấn, giảm so với kim ngạch 7,1 triệu tấn hồi năm ngoái.
Theo Food Navigator (gappingworld.com)