Những thách thức lớn
Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam thống kê, niên vụ 2016 - 2017, diện tích mía đạt 268.300ha, năng suất mía tăng lên 64.8 tấn/ha nhưng vẫn còn khá thấp so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, tình trạng đường nhập lậu diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến giá đường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp mía đường nội địa.
Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn do sức ép từ các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan do thuế nhập khẩu về 0% được áp dụng từ năm 2018. Đa số doanh nghiệp mía đường trong nước chưa chủ động được vùng nguyên liệu; cơ giới hóa trong canh tác mía còn hạn chế; chưa có chiến lược đa dạng hóa để nâng cao hiệu quả từ các sản phẩm cạnh và sau đường… Thực trạng này làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Tuy nhiên, thách thức cũng chính là cơ hội. Thực tế cho thấy một số sản phẩm nội địa tốt với giá thành hợp lý, ngang bằng hoặc rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập vẫn luôn thu hút khách hàng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Các doanh nghiệp sẽ làm được điều này khi quyết tâm nâng cao năng lực sản xuất vận hành và chiến lược kinh doanh để mạnh như đối thủ.
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh
Trước thực trạng khó khăn chung của ngành đường trong nước, ngành mía đường của Tập đoàn TTC cũng đối diện với không ít thách thức về sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, từ nhiều năm nay, TTC đã triển khai đồng bộ các giải pháp về nông nghiệp, sản xuất, thương mại nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững.
TTC có ưu thế về nguồn đất, các hoạt động kinh doanh cạnh đường, sau đường và kinh doanh lõi.
Với phương châm “Nông dân có lời - Nhà máy có lãi”, TTC tập trung đầu tư nhân rộng mô hình cánh đồng mía lớn, xây dựng các mô hình cánh đồng liên kết, hợp tác xã hiện đại, cơ giới hóa sản xuất… tạo điều kiện cho các hộ nông dân nhỏ lẻ cùng hợp tác.
Theo đó, TTC hỗ trợ các hộ nông dân áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ vào canh tác, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, thử nghiệm các loại giống mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch... góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng mía, tiết giảm công lao động, và hạ giá thành sản xuất. Cách làm này phù hợp với tiến trình hội nhập, hạn chế tối đa đất bỏ hoang do mất mùa, thiếu nước.
Thời gian tới, ngành đường TTC đặt niềm tin vào sự tăng trưởng bền vững dựa trên ưu thế về nguồn đất, các hoạt động kinh doanh cạnh đường, sau đường và kinh doanh lõi. Với việc sở hữu khu công nghiệp Tân Kim rộng 17,83ha, TTC dự kiến hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trong niên độ 2017 - 2018, giá trị thu hồi từ việc sang nhượng này phục vụ cho nhu cầu vốn dài hạn đối với hoạt động đầu tư đáp ứng theo chiến lược phát triển của ngành đường TTC đến năm 2020.
Một lợi thế khác của ngành đường TTC chính là việc phát triển dự án điện mặt trời, trong đó có trang trại điện mặt trời tại Cụm công nghiệp chế biến phía Tây sông Vàm Cỏ thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh thuộc Công ty TNHH MTV Biên Hòa Thành Long.
Dự án có công suất dự kiến 30MW, tổng mức đầu tư được duyệt là 621 tỷ đồng mang lại doanh thu bình quân hàng năm 100 tỷ đồng (đơn giá 9.35 cents/Kwh). Dự án được dự báo sẽ có lãi ngay năm đầu tiên và từ năm 2019, lợi nhuận đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm và nếu khoản đầu tư này được chuyển nhượng sẽ mang lại một khoản lợi nhuận khá lớn cho TTC.
Bên cạnh đó, diện tích đất sở hữu và thuê dài hạn của ngành đường TTC đạt khoảng 7.500ha, tổng diện tích đầu tư vùng nguyên liệu vụ 2017 - 2018 đạt 52.300ha giúp ngành đường TTC tự tin nâng cao vị thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Cùng với triển vọng tiêu thụ đường ở các quý tiếp theo sẽ khả quan hơn, áp dụng mức hạn ngạch nhập khẩu đường về, các nhà máy vào vụ sản xuất mới nỗ lực xây dựng khung giá thành sản xuất hiệu quả, ngành đường trong nước nói chung và ngành đường TTC nói riêng kỳ vọng có cùng những bước tiến đột phá.
Theo Nhịp sống kinh tế