Cuối tháng 3/2014, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã có buổi họp bàn về giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho cho ngành mía đường. Tại buổi họp này, Bộ NNPTNT ước tính sản lượng đường sản xuất năm 2014 đạt 1,6 triệu tấn, lượng đường tiêu thụ trong nước đạt 1,4 triệu tấn. Như vậy, cung đã vượt cầu 200.000 tấn.
Hơn nữa, theo cam kết WTO, sẽ có khoảng hơn 77.000 tấn đường được nhập về trong năm nay, cộng với lượng đường tồn kho từ năm trước và đường nhập lậu theo biên giới Tây Nam thì ước tính số đường dư thừa có thể lên 400.000 tấn.
Tuy nhiên, phía Vụ thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương cho hay, đường chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Huyện Bát Xát, Lào Cai. Nhưng đây là cửa khẩu nhỏ lại thường xuyên bị cấm biên nên việc xuất khẩu của các doanh nghiệp đường không hề dễ dàng. Chưa kể các các doanh nghiệp thường xuyên bị phía Trung Quốc ép giá.
Trong thực tế Bộ Công Thương đã cấp phép xuất khẩu 200.000 tấn đường nhưng tới nay các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được hơn 100.000 tấn đường sang Trung Quốc.
Tại buổi họp, phía Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng đề nghị hai bộ cho các doanh nghiêp mía đường xuất khẩu sang Trung Quốc không hạn chế về số lượng, chủng loại cũng như không cần cấp phép.
Tuy nhiên, hai Bộ vẫn thống nhất ý kiến, sau khi xuất khẩu hết 200.000 tấn đường đã được cấp phép sẽ tiếp tục cấp phép thêm 200.000 tấn đường. Đồng thời, do đường là mặt hàng bình ổn nên vẫn phải cấp phép xuất khẩu chứ không thể xuất khẩu không hạn chế theo đề nghị của hiệp hội.
Theo Bộ NNPTNT, giá đường miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên ổn định ở mức các nhà máy đường hòa vốn và có lãi ít. Tại miền Bắc giá đường bán tại nhà máy khoảng 12.500-12.700 đồng/kg, miền Trung từ 12.200-12.500 đồng/kg. Riêng tại miền Nam, giá đường đã vượt 13.000 đồng/kg do đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng đường cao và việc chống buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam có chuyển biến tích cực.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn