Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường trong nước đang giảm
18 | 12 | 2009
Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông-lâm-thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) Đoàn Xuân Hoà, xung quanh vấn đề giá đường tăng - nguyên nhân đẩy nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh từ đầu tháng đến nay.

Trao đổi với PV Lao Động sáng 17.12, ông Đoàn Xuân Hoà cho biết:

- Theo dự báo của Bộ NNPTNT, sản lượng mía đường cả năm 2009 ước đạt khoảng 1 triệu tấn, thấp hơn mức sản lượng đề ra vào đầu năm (với gần 1,2 triệu tấn). Nguyên nhân là do khu vực ĐBSCL vào vụ sớm, hai trận bão diễn ra tại miền Trung khiến sản lượng mía nguyên liệu sụt giảm đáng kể. Nguồn cung đường năm 2010, theo đó sẽ thiếu khoảng 300.000 tấn.
 
Theo báo cáo của Tổ chức Đường thế giới (ISO), dự trữ đường thế giới năm 2010 cũng thiếu hụt khoảng 4,9 triệu tấn, dẫn đến giá đường trên thị trường thế giới tăng mạnh, tại thời điểm này đã lên đến 650USD/tấn.

Việc thiếu hụt một lượng đường nguyên liệu nhất định đã khiến giá đường thu mua tại ruộng tăng cao, có thời điểm đến 1 triệu đồng/tấn tại ruộng. Hiện giá thu mua mía 10 CCS tại ruộng khu vực ĐBSCL là 950.000đ/tấn, Đông Nam Bộ từ 625.000 – 675.000đ/tấn, mía thu mua tại miền Bắc cũng đạt mức khá cao, tới 550.000 – 650.000đ/tấn.

- Nhiều DN sử dụng đường nguyên liệu lấy cớ giá đường tăng để đẩy giá sản phẩm lên cao. Ông đánh giá gì về điều này?

- Bộ yêu cầu Cục Chế biến thương mại nông-lâm-thủy sản và nghề muối tăng cường công tác chỉ đạo các nhà máy đường đẩy mạnh sản xuất, ổn định giá đường trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng. Hiện tại, giá thu mua mía tại ruộng vẫn cao hơn nhiều so với mọi năm và giá đường thế giới vẫn ở mức cao, nhưng từ 15.11 đến 15.12 giá đường trong nước liên tục giảm, hiện giá đường trắng loại I tại kho là 14.300đ – 15.100đ/kg và bán chậm.

- Nếu vậy, liệu DN sẽ phải giảm giá thành sản phẩm nếu đang “kẹt” về việc bán ra như hiện nay?

- Theo tôi, hiện các nhà máy đường trên phạm vi cả nước đã vào sản xuất, lượng đường tồn kho bắt đầu lớn. Nhu cầu vốn vào thời điểm chính vụ cũng như những trang trải vào các tháng cuối năm (tiền lương, tiền thưởng CBCNV...) tăng cao; bên cạnh đó, việc vay vốn lưu động từ các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nên các nhà máy đường buộc phải huy động vốn bằng cách bán đường ra thị trường với giá rẻ. Vì vậy, khả năng giá đường trong nước thời gian tới vẫn tiếp tục giảm.

- Để không xảy ra tình trạng sốt về giá đường, về phía cục đã có phương án gì nhằm bình ổn giá đường thời gian tới?

- Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã thống nhất sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu khoảng 150 nghìn tấn đường từ đầu năm 2010 để theo đó, nhà máy có thể chủ động nhập khẩu và cân đối nguồn hàng, đồng thời bình ổn giá vào thời điểm áp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các nhà máy sử dụng đường làm nguyên liệu cần chủ động ký kết hợp đồng, sử dụng nguồn đường trong nước, nếu quá ỷ lại vào đường nhập khẩu, sản xuất sẽ không bền vững. Đường là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nên về lâu dài, để đảm bảo bình ổn thị trường cần xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia như đối với gạo và muối.

- Xin cảm ơn ông!



Theo Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường