Thái Lan đã cố định giá bán lẻ đường từ lâu với mức cao hơn giá thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Giá bán lẻ nội địa cao hơn so với giá trên thị trường quốc tế, mặc dù chênh lệch đã được thu hẹp đáng kể từ khoảng 5 Baht/kg trong 2 năm trước đây.
Theo ông Somsak Jantararoungtong, tổng thư ký Văn phòng Hội đồng Mía và Đường cho biết thay đổi về cách định giá đường sẽ có hiệu lực sau khi Quỹ Mía và Đường thanh toán toàn bộ các khoản nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp. “Thả nổi giá đường sẽ được tiến hành đồng thời với việc dỡ bỏ hệ thống hạn ngạch. Lúc này là thời điểm hợp lý do giá đường quốc tế đã ở mức tương đương giá đường nội địa”.
Một kế hoạch rõ ràng hơn được kỳ vọng sẽ sẵn sàng để triển khai vào tháng 2/2017. Hai cách tiếp cận đang được xem xét: cho phép giá biến động theo giá thế giới, hoặc đặt ra giá trần và giá sàn cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, cách tiếp cận thứ 2 khó để triển khai.
Sản lượng đường của Thái Lan niên vụ 2016/17 được dự báo giảm 3,2% do tình hình hạn hán trên diện rộng hồi đầu năm 2016. Thu hoạch mía dự báo đạt 91 triệu tấn trong niên vụ 2016/17, giảm từ mức 94,05 triệu tấn trong niên vụ 2015/16, theo ông Somsak cho biết. Với sản lượng mía này, sả lượng đường của Thái Lan có thể đạt khoảng 9,3 – 9,4 triệu tấn đường tinh luyện, so với sản lượng 9,6 – 9,7 triệu tấn trong năm 2016. Trong tháng 3/2016, Thái Lan đã hạ dự báo xuất khẩu đường năm 2016 xuống còn 7,1 triệu tấn, so với dự báo 11 triệu tấn trước đó.
Dự trữ đường tại Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, sẽ giảm xuống còn 23,3 triệu tấn trong năm 2017, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ, do tiêu dùng vượt sản xuất, theo ươc tính của Hiệp hội các nhà sản xuất đường Ấn Độ cho biết. Thái Lan là nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil.
Theo Bangkok Post