Ngay cả khi Thái Lan có thể tự do hóa ngành đường trong năm 2018, nước này cũng vẫn sẽ buộc phải giữ nguyên một số cơ chế, nhằm tiếp tục trợ cấp gián tiếp cho nông dân trồng mía. Đây sẽ là một áp lực lên chính phủ Thái Lan, phải tìm một giải pháp hỗ trợ khác cho nông dân vào thời điểm giá đường toàn cầu được dự báo gặp áp lực giảm giá mạnh do thặng dư trong năm nay, các nhà chức trách ngành đường Thái Lan cho hay.
Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, cam kết sẽ xóa bỏ hệ thống sản xuất – phân phối đường đã tồn tại hơn 3 thập kỷ, sau khi bị Brazil cáo buộc trước WTO về các chính sách trợ giá và khiến mặt hàng đường từ các nước xuất khẩu khác trở nên không cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Brazil hiện là nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên Brazil kiện một nước khác về các chính sách trợ cấp ngành đường. Brazil đã thắng vụ kiện EU vào năm 2004, châm ngòi cho việc khối này phải xóa bỏ toàn bộ các chính sách liên quan đến sản xuất đường của khối này, vốn có tác động sâu sắc tới thị trường toàn cầu.
Để tuân thủ quy định của WTO, Thái Lan lập lịch trình tự do hóa hệ thống ngành đường có thời hạn đến tháng 12/2017, bao gồm dỡ bỏ giá bán lẻ cố định, được kiểm soát bởi Bộ Thương mại để duy trì giá bán lẻ nội địa ổn định, kìm hãm lạm phát. “Chúng tôi đang hoạt động tích cực về vấn đề này và vẫn còn một số quy trình thủ tục cần khơi thông”, theo Warawan Chitaroon, phó tổng giám đốc Hội đồng Văn phòng Mía và Đường (OCSB), là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát ngành đường Thái Lan.
Để đại tu hệ thống ngành đường, Thái Lan cần điều chỉnh 5 bộ luật và quy định liên quan đến ngành đường theo Luật Mía và Đường 1984, để dỡ bỏ Hạn ngạch A, là hạn ngạch đặt một lượng đường nhất định phục vụ tiêu dùng nội địa. Điều này có nghĩa là sẽ tự do hóa giá bán lẻ nội địa. “Nếu điều chỉnh luật kéo dài hơn dự kiến, chúng tôi vẫn còn các quy định điều chỉnh mùa chế biến đường sắp tới”, bà Warawan cho hay, từ chối bình luận về liệu Thái Lan có tự do hóa ngành đường đúng hẹn. Các thương nhân, nhà chế biến và các nhà chức trách ngành đường cũng cho rằng quá trình cải cách sẽ bị châm trễ và dự báo Thái Lan sẽ phải tiếp tục hệ thống sản xuất và giao dịch đường theo các quy định hiện thời cho niên vụ 2017/18.
“Nếu các quy định mới vẫn chưa được chính thức phe duyệt, chúng tôi phải sử dụng hệ thống quy định cũ do mía sắp bước vào kỳ thu hoạch và sau khi thu hoạch, chúng tôi cần bắt đầu nghiền mía”, theo Sirivuth Siamphakdee, chủ tịch Thai Sugar Millers Corporation.
Nguồn cung dư thừa
Thái Lan dự kiến bắt đầu vụ sản xuất – chế biến cho năm 2017/18 vào tuần đầu tiên của tháng 12. Sản lượng đường niên vụ 2017/18 của Thái Lan dự báo đạt 11 – 12 triệu tấn, từ khoảng 105 triệu tấn mía, tăng 10% so với niên vụ 2016/17, tức là một năm bội thu khác của ngành đường Thái Lan. Trong đó, 2,6 triệu tấn sẽ để dành riêng cho tiêu dùng nội địa, phần còn lại sẽ dành cho xuất khẩu.
Nguồn cung từ Thái Lan tăng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lên giá đường khi nguồn cung đường toàn cầu được dự báo vượt nhu cầu. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2017/18 là 4,6 triệu tấn, so với mức thâm hụt 3,9 triệu tấn trong niên vụ trước.
Cơ quan liên chính phủ này cho biết trong báo cáo sản xuất đường quý mới nhất, dự báo rằng sản xuất đường toàn cầu sẽ tăng vọt gần 7% lên mức cao kỷ lục 179,3 triệu tấn. Sản xuất đường tăng tại Ấn Độ, EU, Thái Lan và Trung Quốc là động lực tăng sản lượng chính, ISO cho hay.
Nhận định trên khớp với dự báo của Tris Rating, cho rằng sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2017/17 sẽ tăng mạnh lên 179,6 triệu tấn.
Các thương nhân và nhà chế biến ngành đường Thái Lan có vẻ đón nhận tích cực diễn biến tự do hóa giá bán lẻ, sau khi giá bán lẻ đường tại thị trường này đã bị đặt cố định trong hơn 3 thập kỷ.
Thả nổi giá
Các thương nhân và các nhà chức trách ngành đường Thái Lan cho rằng thả nổi giá đường sẽ giúm giảm trợ cấp cho giá đường nội địa và qua đó cho phép người tiêu dùng Thái Lan mua đường Thái với giá cả hợp lý hơn.
Người tiêu dùng Thái Lan bị buộc phải mua đường có giá cao hơn giá thị trường do chính phủ tăng thêm 5 Baht/kg trợ cấp cho giá bán lẻ nội địa trong năm 2009. Khoản trợ cấp này được thu vào Quỹ Mía và Đường, rồi trợ cấp cho nông dân để giúp bù đắp lợi nhuận ngày càng thấp trong từng năm, khi giá đường toàn cầu giảm mạnh. Với khoản trợ cấp 5 Baht, giá đường bán lẻ cố định tại thị trường Thái Lan là 23,5 Baht/kg,
Giá bán lẻ cố định đôi lúc gây ra tình trạng nguồn cung đường nội địa thiếu hụt do một lượng đường bị buôn lậu sang các nước láng giềng. Tình trạng này xảy ra khi giá đường quốc tế vượt qua giá đường cố định trên thị trường nội địa. “Tốt hơn là thả nổi giá đường tại Thái Lan, theo sát diễn biến giá đường quốc tế thì sẽ không diễn ra tình trạng buôn lậu do giá cả luôn tương đồng nhau”, một thương nhân ngành đường cho hay.
OCSB cho biết giá bán lẻ mới sẽ được tính dựa vào giá đường trắng cho tiêu dùng trên thị trường tương lai Luân Đôn, vốn là trung tâm giao dịch đặt ra khuynh hướng giá cho thị trường toàn cầu, và mức chênh giá cho đường Thái, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế trợ cấp 5 Baht/kg. Bổ sung thêm chi phí đóng gói và logistics, giá bán lẻ đường sẽ vào khoảng 20 Baht/kg, theo các nhà chức trách chính phủ và ngành đường Thái Lan tính toán.
Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tính toán giá bán lẻ và thông báo công khai hàng tháng một khi giá đường bắt đầu được thả nổi. Một bộ phận không chào đón diễn biến này là nông dân trồng mía, những người được cho là sẽ bị giảm thu nhập và có thể yêu cầu một hình thức trợ cấp khác.
Thu nhập của nông dân
Hệ thống chia sẻ lợi nhuận 70:30 hiện nay, tức 70% doanh thu đường hàng năm sẽ dành cho nông dân và 30% còn lại được phân bổ cho các nhà chế biến. Theo hệ thống này, nông dân được các nhà chế biến thanh toán ngay khi thu hoạch mía, thường bắt đầu vào tháng 11. Giá mía ban đầu, được thanh toán ngay này đặt ra nhằm đảm bảo cho nông dân một khoản thu nhất định trước khi các nhà chế biến đưa mía vào sản xuất đường, vốn tốn nhiều thời gian hơn.
Giá mía ban đầu này được tính toán dựa trên giá đường thế giới của một vụ thu hoạch, có thể không phản ánh giá đường thực trên thị trường thế giới trong cả năm do giá biến động luôn luôn.
Hệ thống này cũng yêu cầu các nhà chế biến thanh toán thêm một lần nữa vào cuối vụ thu hoạch nếu giá đường toàn cầu vượt giá đường ban đầu. Đợt thanh toán thứ hai này diễn ra vào cuối vụ thu hoạch, thường vào tháng 10. Nếu giá đường toàn cầu vào cuối vụ thu hoạch thấp hơn giá đường ban đầu trả cho nông dân, người trồng mía sẽ không phải trả lại cho nhà chế biến khoản chênh giá này do Quỹ Mía và Đường có trách nhiệm cho khoản thanh toán này.
Đối với niên vụ 2017/18, nông dân được thanh toán giá mía ban đầu là 880 Baht/tấn, giảm nhẹ so với mức 960 Baht/tấn của niên vụ trước. Nhưng với tình trạng dư cung trên thị trường đường thế giới như hiện nay, giá đường toàn cầu vào cuối niên vụ, tức tháng 10/2018, sẽ thấp hơn giá đường ban đầu, nghĩa là Quỹ Mía và Đường sẽ phải mở hầu bao cho các nhà chế biến lần nữa.
Đây là nguyên nhân chính khiến nông dân muốn Quỹ Mía và Đường được duy trì, bất chấp các quy định mới co rằng nông dân quá cứng nhắc khi vẫn muốn được trợ cấp giá trong bối cảnh ngành đường đang được tự do hóa. “Chính phủ có thể dự do hóa hệ thống ngành đường, nhưng Quỹ Mía và Đường cần phải tồn tại và chính phủ nên tìm cách trợ cấp cho nông dân”, Theerachai Sankaew, lãnh đạo Hiệp hội những người trồng mía Đông Bắc Thái Lan phát biểu. Ông cho rằng hàng triệu nông dân đang dựa vào giá đường và trợ cấp của chính phủ, và rằng các nhà chế biến đã hưởng lợi chính từ việc nông dân trồng mía, cung cấp nguyên liệu thô cho họ.
Quỹ Mía và Đường của Thái Lan hiện đang gánh khoản nợ khoảng 9 tỷ Baht từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp và Krungthai Bank để thanh toan cho nông dân trong vài năm qua. Chính phủ đã đặt ra khoản ngân sách khoảng 450 triệu Baht hàng năm để trả nợ cho quỹ này. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ có duy trì sự tồn tại của quỹ và khả năng thanh khoản của nó hay không.
Theo Bangkok Post (Gappingworld.com)