Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khách hàng chờ giảm giá theo lộ trình, hàng loạt nhà máy đường có nguy cơ "đóng cửa"
07 | 11 | 2017
Hơn nửa tháng nay, các nhà máy đường không bán được đường mặc dù giá đường đã chạm đáy, chỉ còn 12.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp sử dụng đường chờ đợi để được mua với giá rẻ khi đầu năm 2018, mặt hàng này sẽ phải thực hiện theo lộ trình Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Thông thường vào thời điểm này, các nhà máy bánh kẹo, nước giải khát… sẽ phải tăng cường mua đường nhằm phục vụ sản xuất, chế biến bánh kẹo, hàng hóa phục vụ Tết. Thế nhưng khoảng 300.000 tấn đường đang tồn trong kho và khoảng 10.000 tấn đường mới của một số nhà máy vừa bước vào vụ ép 2017-2018 vẫn nằm im trong kho. 
 
Bốc xếp đường vào kho tại nhà máy đường Thành Thành Công, Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các doanh nghiệp sử dụng đường đang đợi đến đầu năm 2018 để được mua đường với giá rẻ. Bởi đến lúc đó, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). 
 
Theo đó, từ năm 2018, đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%. Bởi theo Bộ Công Thương, đối với những doanh nghiệp đã đấu thầu và được giao hạn ngạch thì lượng đường trong hạn ngạch nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế suất 5%, còn không hạn ngạch thuế suất là 80%
 
Điều này đặt nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy công suất nhỏ, có nguy cơ "trên bờ vực phá sản” bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với đường trong khu vực, cụ thể là đường Thái Lan. 
 
Thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên thì mới đạt được lợi thế về quy mô. Hiện quy mô sản xuất của các nhà máy phổ biến ở mức nhỏ và vừa. Cả nước chỉ có 8 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày. 
 
Như vậy, công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam còn rất nhỏ so với các nước sản xuất đường lớn, nên hiệu quả sản xuất thấp hơn. Nhưng việc gia tăng công suất nhà máy phụ thuộc vào khả năng mở rộng vùng trồng tương ứng và cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi áp lực cung cầu ngành. 
 
Ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, nếu thực hiện ngay cam kết bỏ hạn ngạch thuế quan từ năm 2018 thì đặt ra vấn đề rất hệ trọng đối với ngành mía đường. Câu chuyện không hẳn là với doanh nghiệp mà người thiệt thòi nhất sẽ chính là nông dân. 
 
Trên thực tế, đối với ngành mía đường, đến nay cả nước có 41 nhà máy với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995; trong đó có 11 nhà máy có công nghệ luyện. 
 
“Các nhà máy này thậm chí có thể nhập đường thô về luyện và vẫn “sống” bình thường và lại là con đường nhẹ nhàng”, ông Phạm Quốc Doanh nói. 
 
Tuy nhiên, theo ông Doanh, đây là kịch bản không ai chờ đợi bởi có hàng triệu nông dân và công nhân đang lao động trong ngành mía đường. 
 
Hơn 30 năm qua, trên 300.000 ha mía đã hình thành ở những vùng đất phù hợp cho cây mía và rất khó chuyển đổi sang cây trồng khác. Cùng với đó là 330.000 hộ nông dân với 1,5 triệu lao động và 350.000 công nhân chế biến. Nặng nề nhất là 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn/ngày. Những nhà máy này có khả năng phải đóng cửa. 
 
Ông Doanh cho rằng, để các nhà máy đường tồn tại, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể giữ giá mua mía từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng/tấn như hiện nay. Bởi chi phí nguyên liệu chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất đường. Nếu các nhà máy tiếp tục không bán được đường thì việc thu mua mía cho nông dân sẽ trở nên càng khó khăn. Nguy cơ này đang hiện hữu rất gần vì vụ ép 2017/2018 đã chuẩn bị bắt đầu. 
 
ATIGA được ký kết từ năm 2009. Để chuẩn bị cho việc thực thi này, ông Phạm Quốc Doanh cũng thừa nhận, thời gian qua các doanh nghiệp mía đường chưa thực sự nỗ lực và quyết liệt hội nhập. Việc tái cơ cấu của các nhà máy còn chậm. Mới chỉ có một số doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm sau đường như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty Đường Thành Thành Công… 
 
Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn còn đứng trước những thách thức, khó khăn, bất cập chung của ngành nông nghiệp như: canh tranh khi hội nhập, tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh với các cây trồng khác, thiếu lao động trong khâu thu hoạch mía, áp dụng cơ giới hóa còn rất hạn chế, giống chưa được quan tâm tuyển chọn, lai tạo, thâm canh chưa hợp lý… 
 
Trước tình hình trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020. Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch thuế quan tăng hàng năm lên 10% so với mức 5% của năm 2017
 
Đồng thời, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan sẽ giảm chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng. 
 
Mặt khác, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, thành lập Quỹ Phát triển mía đường. Để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan, dẫn đến Việt Nam phải mua giá cao, VSSA đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch không chỉ đối với các nước trong khu vực ASEAN, mà mở rộng cho đường từ Brazin, Australia và Ấn Độ. 
 
VSSA cũng đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện đồng phát nối lưới điện của các nhà máy đường bằng với biểu giá chi phí tránh được của nhà máy điện sinh khối. Ngoài ra, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phê duyệt Quy hoạch Mía đường, Đề án tái cơ cấu ngành mía đường, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ máy móc, giống mía cho nông dân.
 
Bích Hồng (TTXVN)


Báo cáo phân tích thị trường