Nhiều đường… lắt léo
Không những phong phú về mẫu mã, giá cả, đường đi của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam cũng lắt léo không kém.
“Nếu không phải dân trong nghề, muốn mua đồ nội thất Trung Quốc coi chừng mua lầm hàng gọi là nội thất Trung Quốc, do cơ sở mộc trong nước làm bán ra thị trường để ăn theo hàng Trung Quốc”. Vừa bước vào đầu “chợ” nội thất Ngô Gia Tự, anh Phương đã nhắc chừng. Hiện những mặt hàng “hồn Việt Nam, da Trung Quốc” này có giá bán rẻ hơn hơn từ 20% đến 40% so với hàng chính hiệu.
Đồ nội thất Trung Quốc đang tràn ngập thị trường trong nước, mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam khoảng 3 năm trở lại đây. Theo giới kinh doanh đồ nội thất Trung Quốc, trên thị trường đang hút hàng đồ gỗ nội thất Đài Loan và Trung Quốc. “Không ai nhập gỗ Đài Loan về bán ở thị trường Việt Nam cả, tất cả đều là đồ gỗ Trung Quốc”, một chủ cơ sở chuyên nhập hàng Trung Quốc khẳng định. Các công ty gỗ của Đài Loan đang chuyển nhà máy sang Trung Quốc, do giá nhân công rẻ và vận chuyển xuất khẩu cũng dễ dàng hơn. Việc “gắn nhãn” nhập khẩu từ Đài Loan chỉ để đánh vào tâm lý chuộng hàng hiệu của người tiêu dùng. “Dù gì hàng Đài Loan cũng tốt hơn hàng Trung Quốc mà…!”, vị này nhún vai. Đa số đồ gỗ nội thất của Trung Quốc được nhập chủ yếu từ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.Theo Bộ Thương mại, trong năm 2005, Trung Quốc đã cung cấp 53% đồ nội thất cho thị trường Việt Nam, với tổng kim ngạch nhập khẩu là 16 triệu USD.
Đồ gỗ Trung Quốc vào Việt Nam theo đường chính ngạch do các doanh nghiệp Việt Nam nhập về phân phối trong nước. Đường tiểu ngạch do những đầu nậu sang Trung Quốc, qua cửa khẩu Lạng Sơn mua về. Giới kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu gọi những đầu nậu nhập bằng đường tiểu ngạch là “đánh quả”. Họ thường làm theo đơn đặt hàng của công trình, họ nhận giá và đến tận gốc những cơ sở làm hàng ở Trung Quốc để tìm mức giá thấp nhất để đặt hàng. Những chuyến đánh quả này, các đầu nậu còn tranh thủ khảo sát các mẫu mã hàng mới, hàng độc để đánh hàng về Việt Nam. “Nếu đánh đúng quả, mức lời của mỗi lô hàng lên đến 50%. Ngược lại, nếu phán đoán sai, những mặt hàng nhập về bị “đề mốt”, ôm sô hàng tồn kho, phải chịu bán lỗ để thu hồi vốn”.
Đồ gỗ nội thất nhập về Việt Nam được các đầu nậu phân phối thành mức giá khác nhau, giá bán lẻ thường cao hơn giá dành cho các nhà phân phối khoảng 15%. Thông thường, đầu nậu nhập hàng đều có hệ thống showroom của mình để trưng bày sản phẩm. Đồ nội thất nhập về còn được phân phối cho những cửa hàng bán lẻ trên cả nước, tại TP.HCM tập trung ở hai “chợ” chính là Ngô Gia Tự (quận 10) và Cộng Hòa (Tân Bình).
Vì sao đồ gỗ Trung Quốc hút hàng?
Theo ông Hồ Sĩ Văn, giám đốc công ty TNHH Toàn Phát, chủ siêu thị nội thất Tiến Phát, chuyên cung cấp đồ nội thất Trung Quốc ở khu Ngô Gia Tự, mẫu mã của hàng nội thất Trung Quốc khá phong phú, với nhiều mức giá khác nhau. Mỗi tháng, Toàn Phát nhập từ Trung Quốc khoảng 2 đến 3 "công" hàng nội thất các loại với giá khoảng 25.000 USD. Trung bình mỗi năm những cơ sở kinh doanh đồ nội thất nhập về Việt Nam từ 20 đến 25 "công" hàng bằng đường biển, theo đường chính ngạch.
Hàng nội thất Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ, do sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, theo ông Văn, do thuế nhập khẩu về Việt Nam lên đến 40%, cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa kể chi phí vận chuyển, nên mức giá bán tại thị trường Việt Nam thường đắt hơn những mẫu hàng trong nước từ 5 đến 10%. Từ giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, bộ bàn ăn có giá từ 2 triệu đến 5 triệu đồng, tùy theo kích thước và kiểu dáng. Một số cửa hàng không bán lẻ mà bán theo bộ gồm giường, tủ, bàn trang điểm... với giá từ 14 - 19 triệu đồng/bộ, tùy loại và kích cỡ.
Đồ gỗ TQ làm từ gỗ nhân tạo MDF, gỗ cao su đã xử lý. Hàng nhập về được đóng gói thành từng cụm, lắp ráp ngay tại cửa hàng để bày bán theo từng bộ. Có những nhà nhập khẩu nhập hàng loạt sản phẩm rời như khung ghế, khung giường, thân tủ… sau đó về lắp ráp lại, sử dụng nguyên vật liệu nội địa như vải, nệm lắp ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. “Mức thuế nhập sản phẩm rời từ Trung Quốc về lắp ráp thấp hơn nhập sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, chúng tôi còn tận dụng thêm nguyên liệu trong nước để giảm giá thành…”, một chủ cơ sở đồ nội thất trên đường Cộng Hòa, nói. Mức giá bán ra của các sản phẩm dạng này vẫn tương đương với hàng Trung Quốc "chính gốc" về giá cả lẫn chất lượng. Các công ty chuyên nhập hàng Trung Quốc cho rằng, sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, đồ gỗ nội thất Trung Quốc lại tiếp tục giảm giá khi không còn thuế nhập khẩu.
Đồ gỗ nội chạy đua giành thị phần
Trước những diễn biến mới của thị trường, các doanh nghiệp đồ gỗ nội địa bắt đầu chú trọng vào mẫu mã, kiểu dáng khi đầu tư thành lập đội nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nhằm thiết kế và chọn lọc những mẫu mã phù hợp với từng phân khúc thị trường mục tiêu.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành, trước đây đồ gỗ nội thất trong nước chỉ tập trung vào các loại hàng giả cổ, hàng gỗ chạm. Giá cả những loại hàng này khá cao, chỉ phù hợp với khách hàng thượng lưu với phong cách nhà cửa cổ điển, to rộng. Hiện xu hướng này giảm dần. Khách hàng ngày càng trẻ hơn và thích loại hàng hiện đại, theo phong cách hình khối, hộp đơn giản, tiện lợi thích hợp những ngôi nhà hiện đại với màu sơn và kiểu dáng trẻ trung. Các doanh nghiệp đang hướng tới bán sản phẩm, với công dụng và tiện ích cụ thể, chứ không bán nguyên liệu và chi phí như trước đây. Sản phẩm xuất hiện trên thị trường được thiết kế theo bộ nhằm năng cao tính tiện ích, công dụng hơn cho người sử dụng. Đơn cử, bộ phòng khách gồm bộ bàn ghế salon, kệ tivi. Bộ phòng ngủ gồm giường ngủ, tủ đầu giường… Những sản phẩm này đều có thể tháo ráp dễ dàng, với nhiều công năng khác nhau.
Công tác chăm sóc khách hàng cũng ngày được chú trọng. Ông Võ Trường Thành, giám đốc tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, công ty đã giao hàng miễn phí trong phạm vi thành phố. Ngoài ra, mỗi bao bì sản phẩm đều có kèm theo hướng dẫn sử dụng và lắp ráp chi tiết. Tư vấn trưng bày, bảo quản, lắp ráp tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng là cũng là cách mà doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất đang áp dụng để trở lại thị trường nội địa tốt hơn. Sản phẩm đều được bảo hành từ 1 năm trở lên. Doanh số từ thị trường nội địa của công ty đã đạt gần 10 tỷ đồng/năm. Hàng loạt siêu thị nội thất ra đời với nhiều thương hiệu khác nhau, chưa kể các cửa hàng chuyên bán đồ nội thất nhập ngoại đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Liên kết với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong sản xuất, đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng, tiến độ thực hiện đơn hàng và giảm giá đầu vào cũng là cách mà doanh nghiệp đang tiến hành để có thể cạnh tranh với đồ gỗ Trung Quốc.
Ngay cả doanh nghiệp chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ cũng bắt đầu chú trọng vào lĩnh vực kinh doanh trang trí nội thất bằng cách liên kết với những công ty xây dựng khác. Như công ty Lạc Phương Nam liên kết với công ty xây dựng Nhà Dân làm những mặt hàng trang trí nội thất theo đơn đặt hàng cụ thể của chủ. Khi nhận được đơn đặt hàng, công ty sẽ cử người đến khảo sát tùy theo từng dạng nhà, công ty sẽ đưa ra những mẫu decor khác nhau. Đồ gỗ của Lạc Phương Nam khá đa dạng, nhắm đến nhiều loại khách hàng khác nhau để thâm nhập tốt hơn. Những mặt hàng đồ gỗ như bàn ghế, tủ, kệ, quầy bar đều được phủ sơn mài cho phù hợp với màu sắc, kiểu dáng thiết kế từng văn phòng.