Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Bó tay" với đường nhập lậu?
05 | 05 | 2008
Chất lượng vượt trội, giá "cạnh tranh" và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu..., với hàng loạt những lợi thế như vậy, đường cát "ngoại" nhập lậu trên tuyến biên giới Tây Nam đã hạ "đo ván" hạt đường "nội" ngay trên sân nhà.
Trong bối cảnh các nhà máy đường trong nước đang "ngụp lặn" với việc giải bài toán ổn định vùng nguyên liệu, kìm giữ giá thành sản xuất... Tất cả như dồn đẩy thân phận hạt đường "nội" vào tình thế vô phương cứu vãn (?!)."Nóng" ngay giữa mùa "lạnh"

Về An Giang, vào thời điểm còn gần 2 tháng nữa mới vào "cao điểm nhập lậu đường", nhưng chúng tôi (PV báo Lao Động) dễ dàng nhận ra "cơn lũ đường" đang chảy qua biên giới. Không chỉ có hình ảnh những đoàn đai vác từ Gò Tà Mâu về thị xã Châu Đốc, hay cảnh ồn ào Đường Sứ cống 23 xã An Nông (huyện Tịnh Biên), khu vực ấp 5, xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), giờ đây đường ngoại còn có thêm kênh nhập lậu qua cửa ngõ huyện An Phú.

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện tại An Phú đang hình thành hai "đặc khu" tập kết đường lậu: Vạc Lài (xã Khánh Bình) và ấp 1 (xã Khánh An) do những "đại gia" T..., G...và C... điều khiển.

Buổi trưa cuối tháng 4, sông Bình Di, biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia như chìm vào giấc ngủ dưới làn nắng rát da, thế nhưng tại đoạn sông dưới bến kho H...- L..., giáp ranh xã Khánh An và thị trấn Long Bình như dậy sóng... Chiếc ghe vừa cặp bến, lập tức những guồng chân hối hả chuyển những bao đầy ắp đường vọt thẳng vào kho... chỉ một loáng, cả núi đường 50-70 chục tấn đã mất hút.

Theo nguồn tin của người dân địa phương, mỗi ngày kho này "ăn vào" hàng trăm tấn đường. Nhiều cán bộ có trách nhiệm của ngành chức năng, khẳng định đây là bãi tập kết đường nhập lậu của T..., một "ông trùm" của ngành nhập lậu đường trên địa bàn Châu Đốc lên đây thuê kho mở rộng đường "làm ăn". Sau khi nhập hàng vào kho, T... công khai đưa đường này lên xe hoặc xuống ghe đi giao cho "bạn hàng" tận các huyện ở TP.Cần Thơ, Vĩnh Long.

Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi ngày có từ 200-300 tấn đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới An Giang.

Còn An Giang thì có từ 80-110 tấn/ngày. Tuy có sự chênh lệch về con số, nhưng cả hai nguồn đánh giá này đều có chung thừa nhận: Biên giới An Giang đang lên cơn "sốt" đường nhập lậu trái mùa.

Vẫn chưa có đường chống đường... lậu?

Vận chuyển đường nhập lậu trên sông Bình Di.
Thật ra đây không phải là lần đầu đường ngoại "tấn công" đường nội. Nhưng có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất cho việc tìm ra con đường căn cơ nhất chống đường lậu xâm nhập. Bởi thực tế việc vây bắt, ngăn chặn gần như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của lực lượng kiểm soát biên giới.

Anh Nguyễn Văn Sức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khánh Bình - cho biết: Việc xuất nhập đường lậu thường diễn ra rất chớp nhoáng trên mặt sông vốn chỉ rộng 20 mét, trong khi đó, do đặc thù của dòng chảy, chúng tôi chỉ có quyền kiểm soát được 1/3 mặt sông Bình Di. Vì vậy để phát hiện đã khó, nhưng để vây bắt quả tang còn khó hơn". Trong khi đó việc kiểm tra, kiểm soát lại như đánh với "cối xay lúa".

Ông Nguyễn Ái Việt - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT An Giang - bức xúc: Kiểm tra, phát hiện, có kho chứa hàng trăm tấn đường Thái Lan, nhưng không thể làm gì được vì họ đã thủ sẵn mọi thủ tục hợp pháp cần thiết". Được biết ngoài việc khoác lên mình chiếc áo giả hiệu đường nội, họ còn dùng hoá đơn bán hàng bị tịch thu hoá giá, hay giấy xuất kho của một nhà máy đường trong nước nào đó...

Theo lời ông Việt, dù biết rất rõ những giấy tờ này là "gian", như đơn hoá giá từ năm 2001, giấy xuất kho tận Nhà máy đường Quảng Ngãi... nên đành phải cho qua (vì thiếu sự phối hợp của các ngành chuyên môn). Thực tế đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn về thời hiệu của hoá đơn... Ở đây có phần do thiếu đầu tư đồng bộ, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do thiếu chiến lược căn cơ.

Một vị lãnh đạo ban 127 tỉnh An Giang bức xúc: Muốn chống đường lậu căn cơ nhất là phải cải tiến chất lượng và giá bán, những bài học từ mặt hàng mỹ phẩm, hàng điện tử... là minh chứng. Các mặt hàng điện tử, mỹ phẩm của VN sau thời gian được cải thiện không chỉ chấm dứt được tình trạng nhập lậu mà ngược lại, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước còn xuất ngược lên.

Trong khi đó, mãi đến nay các nhà máy đường trong nước vẫn đang "ngụp lặn" ở ngay vạch xuất phát với khâu tạo vùng nguyên liệu thì đến bao giờ đường nội mới có thể "thắng" được đường ngoại?
Giá đường trong nước ngang với giá đường tại London

Hiện nay, giá thành đường trong nước đã ngang với giá đường tại London. Điều này cho thấy giá đường nội đang ở mức cao.

Nhưng sự thua thiệt này đáng thương hơn đáng giận. Bởi hiện tại hạt đường trong nước đang đứng trước rất nhiều áp lực, mà bản thân không thể tự giải quyết được, như việc áp giá sàn sản phẩm... Nhưng cơ bản là chưa nhận được sự hỗ trợ cho vùng nguyên liệu cả về quy hoạch lẫn hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống chất lượng... nên không chỉ dẫn đến hệ lụy trồng theo phong trào mà người nông dân cũng không có giống mía chất lượng. Từ đó, nông dân không có sản phẩm tốt để bán giá cao, mà nhà máy cũng không có nguyên liệu tốt để sản xuất đường chất lượng cạnh tranh.

Mới đây qua thực tế ở Tây Ninh, Quảng Ngãi, tôi thấy nhiều nông dân đã phá ruộng mía để trồng mì, trồng caosu... Với đà này, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì đường nội sẽ còn tiếp tục thua ngay trên "sân nhà".

(GS-TS Võ Tòng Xuân - cố vấn cấp cao Trường ĐH An Giang)



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường