Rabobank đã hạ dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ hiện tại xuống 5,5 triệu tấn, đặc biệt nhấn mạnh sản lượng đường của Trung Quốc sẽ tăng và Rabobank nâng dự báo sản lượng đường của nước này thêm 800.000 tấn lên 10,8 triệu tấn. Trong khi đó, Rabobank lại hạ dự báo tiêu dùng đường của Trung Quốc 1 triệu tấn, xuống còn 15,5 triệu tấn do cạnh tranh giữa đường mía và các chất tạo ngọt từ ngô, do chính phủ nước này nỗ lực cắt giảm dự trữ ngô khổng lồ, đẩy giá ngô tại Trung Quốc giảm mạnh.
Điều chỉnh mới nhất của Rabobank về thâm hụt đường toàn cầu chỉ đưa ra vài giwof sau khi Abares, cơ quan hàng hóa nôn sản chính thức của Úc, cũng đưa ra dự báo về thâm hụt đường. Abares hạ ước tính thâm hụt đường thêm 300.000 tấn xuống còn 7 triệu tấn trong niên vụ hiện tại nhờ sản lượng đường của Brazil được dự báo tăng.
Rabobank cũng cảnh báo khả năng ngày càng tăng thị trường đường toàn cầu trong niên vụ tới sẽ chuyển sang trạng thái thặng dư, lần đầu tiên sau 3 năm thâm hụt. “Có vẻ các nhận định trên thị trường đều đang đồng thuận theo hướng sản lượng đường niên vụ 2017/18 tăng, có thể đẩy cân bằng cung – cầu thế giới vào thế cân bằng, thậm chí có thể thặng dư”, Rabobank nhận định. “Đây có thể là một yếu tố cơ bản quan trọng để các quỹ tin rằng thị trường đã đạt đỉnh”. Ngày 13/12, nhà giao dịch Sucden dự báo sản xuất đường toàn cầu niên vụ 2017/18 sẽ tăng 9,2 triệu tấn lên 134,5 triệu tấn, chủ yếu nhờ sản lượng đường tại châu Âu và Ấn Độ tăng, đủ để đưa thặng dư đường toàn cầu lên mức 1 triệu tấn. Sucden ước tính thâm hụt đường toàn cầu khoảng 5 triệu tấn trong cả hai niên vụ 2015/16 và niên vụ 2016/17.
Rabobank cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng lớn lên giá đường khi Brazil lên kế hoạch tái áp đặt lên ethanol loại thuế có tên Pis/Cofins, vốn đã bị xóa bỏ tạm thời từ năm 2013. “Với mức thuế 0,12 Real/lít, loại thuế này sẽ lạm vào đáng kể lợi nhuận sản xuất ethanol”. Loại thuế này sẽ buộc giá ethanol giảm để duy trì cạnh tranh với gasoline, và cũng hạ mức lưới an toàn cho giá đường.
Theo Agrimoney