Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc mất vị thế nhập khẩu đường số 1 thế giới
22 | 11 | 2017
Theo USDA, Trung Quốc đang mất đi vị thế nước nhập khẩu đường số 1 thế giới duy trì trong nhiều năm liền, do các chính sách hạn chế nhập khẩu của chính phủ nước này. Mặc dù vậy, Tổ chức Đường Thế giới không đồng ý với nhận định này.

Trung Quốc được dự báo nhâp khẩu 4,2 triệu tấn đường trong niên vụ 2017-18, giảm 400.000 tấn so với niên vụ trước, và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm, theo USDA nhận định. Nguyên nhân chính chủ yếu là do Trung Quốc tăng thuế từ 50% lên 95% đối với đường nhập khẩu từ các nước xuất khẩu lớn, bao gồm Brazil, Thái Lan và Úc, đồng thời chính phủ Trung Quốc cũng mạnh tay triệt phá hoạt động buôn lậu đường trái phép vào nước này.

Hơn nữa, giá đường tăng và sản xuất đường nội địa cải thiện cũng tác động tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu đường của nước này. Diện tích trồng mía đường và củ cải đường của Trung Quốc đều tăng, giúp giảm nhu cầu nhập khẩu đường của nước này.

Trung Quốc vs Indonesia

“Trung Quốc đang giảm nhập khẩu do những thay đổi về mặt chính sách”, USDA nhận định. “SẢn xuất nội địa tăng và chính sách thắt chặt nhập khẩu dẫn đến Trung Quốc mất vị thế nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, tụt xuống vị trí thứ 2”.

Trong khi đó, Indonesia đang tăng nhập khẩu từ Brazil, đang dần dần thế chân Trung Quốc, trở thành nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu đường niên vụ 2017-18 dự báo đạt 4,55 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn giảm khoảng 370.000 tấn so với niên vụ trước.

Sản lượng tăng

Các bình luận trên được đưa ra sau khi USDA nâng dự báo thặng dư sản xuất đường toàn cầu niên vụ 2017-18 thêm 2,65 triệu tấn, lên 10,73 triệu tấn đường thô.

Trong khi đó, dự báo tiêu dùng đường toàn cầu cũng được nâng thêm gần 2,7 triệu tấn lên mức cao kỷ lục 174,2 triệu tấn, với sản lượng đường toàn cầu được nâng 5,3 triệu tấn lên 184,9 triệu tấn, chủ yếu tăng sản lượng tại các nước sản xuất lớn, bao gồm Brazil, Ấn Độ và EU.

Sản lượng đường của Ấn Độ ước tăng thêm 1,9 triệu tấn lên 27,7 triệu tấn do diện tích và năng suất đều tăng tại Maharashtra, Uttar Pradesh, và bắc Karnataka.

Sản lượng đường của EU cũng được dự báo nâng thêm 1,5 triệu tấn, lên 20,1 triệu tấn. Xuất khẩu đường của khối này cũng được nâng thêm 300.000 tấn lên 2,5 triệu tấn, tăng vọt 60% so với niên vụ trước.

Trong khi đó, dự báo sản lượng đường niên vụ 2017/18 của Brazil được nâng thêm 550.000 tấn lên mức kỷ lục 40,2 triệu tấn, mà USDA cho rằng nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi và quản lý mùa vụ được cải thiện.

Triển vọng giá

USDA đã nâng dự báo thặng dư sản xuất đường toàn cầu niên vụ 2017-18; đồng thời, ISO cũng nâng dự báo thặng dư thêm 400.000 tấn lên 5 triệu tấn.

ISO ước tính rằng sản xuất đường tại EU sẽ tăng thêm 500.000 tấn lên 19,1 triệu tấn, trong khi sản xuất đường của Nga được nâng thêm 200.000 tấn lên 6,3 triệu tấn, và dự báo tiêu dùng đường của nước này bị hạ.

Với triển vọng thặng dư đường trong niên vụ 2017-18, ISO cho rằng không đáng ngạc nhiên khi giá đường New York giảm từ mức 20 cents/pound xuống còn 15 cents/pound trong hợp đồng giao tháng 1 so với hợp đồng giao tháng 3 trong phiên giao dịch gần đây. “Với niên vụ thặng dư thứ hai liên tiếp, triển vọng giá đường toàn cầu không mấy sáng sủa”, ISO nhận định, đồng thời hạ kỳ vọng rằng Brazil sẽ tăng sản xuất ethanol thay vì đường.

“ISO dự báo rằng ngay cả khi tỷ trọng sản xuất ethanol tăng trong cơ cấu sử dụng mía của Brazil, thì cũng chỉ giúp giảm thặng dư đường niên vụ 2018-19, mà không làm đảo ngược về trạng thái thâm hụt, ít nhất là đến giữa năm 2019”.

Theo Agrimoney (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường