Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới năm 2006 và dự báo 2007
11 | 08 | 2007
Năm 2006 là một năm đầy biến động của thị trường đường thế giới. Thị trường chia làm hai giai đoạn rõ rệt. Giá liên tục tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất kể từ 25 năm nay. Tuy nhiên, kể từ đó, giá bắt đầu giảm xuống khi nguồn cung tăng lên.
 Gía đường thô đã tăng từ 11,28 US cent/lb đầu năm 2006 lên 19,30 US cent/lb ngày 3/2/2006, trong khi đường trắng tăng từ 281,20 USD/tấn lên 497 USD/tấn, gần gấp đôi. Những nguyên nhân đẩy giá đường tăng vọt trong những tháng đầu năm có thể kể đến giá dầu mỏ tăng khiến sản lượng ethanol (nguyên liệu là mía) tăng lên, hạn hán ở Thái Lan và Braxin và bão lớn ở Mỹ gây ảnh hưởng tới sản lượng của  những nước sản xuất đường lớn này, tạo ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung đường trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Nhu cầu đường tăng mạnh ở các nước châu Á, đẩy giá tăng vọt và khiến chính phủ nhiều quốc gia phải đưa ra các biện pháp để bình ổn giá nội địa, như tăng cường nhập khẩu đường, bán đường dự trữ ra…. Philipin nhập khẩu khoảng 50.000 tấn đường trong năm 2006, trong khi Pakistan nhập khẩu 800.000 tấn. Thái Lan thì tăng giá bán đường trên thị trường nội địa đồng thời tăng hạn ngạch đường dành cho tiêu thụ nội địa thêm 400.000 tấn so với năm ngoái, lên 2,2 triệu tấn để giảm bớt tình trạng thiếu cung tại nước này. Trung Quốc viện đến các giải pháp nhập khẩu đường đồng thời cũng xuất hàng dự trữ ra để ngăn chặn xu hướng giá tăng nhanh, và người tiêu dùng Trung Quốc tăng cường sử dụng chất ngọt làm từ ngô để thay thế đường. Hạn hán dai dẳng tại Quảng Tây – khu vực trồng mía lớn là nguyên nhân chính dẫn tới sản lượng đường giảm 2% trong niên vụ 2005/06, khiến nước này phải nhập khẩu khoảng 1,3-1,4 triệu tấn đường. Belarus cũng  tăng giá bán lẻ đường thêm 10,3%, bắt đầu từ 31/3/2006. Nga thì xem xét kế hoạch thay đổi quy chế xác định thuế nhập khẩu đường thô để thị trường trong nước  giảm sự phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường thế giới. Trên 50% nhu cầu đường của Nga được đáp ứng bằng đường thô nhập khẩu về tinh luyện tại Nga. Hàng năm, Nga tiêu thụ khoảng 5,6-5,7 triệu tấn đường.
            Bắt đầu từ tháng 5/2006, thị trường đường thế giới hạ nhiệt, khi một số nước đang mùa sản xuất cao điểm, và giá đường quá cao làm hạn chế nhu cầu mua ở nhiều nước, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới cũng hạ nhiệt. Giá đường trắng đã giảm từ 497 USD/tấn xuống 352 USD/tấn, trong khi giá đường thô giảm từ 19,30 US Cent/lb xuống 12,03 US cent/lb. Giá cao những tháng trước đã khuyến khích nhiều nước nỗ lực tăng sản lượng. Nguyên liệu sản xuất đường (mía và củ cải đường) là cây trồng ngắn ngày, nên không mất nhiều thời gian để các nước sản xuất có thể tăng sản lượng. Và Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm mức dự báo về lượng cung đường thiếu hụt trongh niên vụ 2005/06 (tháng 10-9) xuống 966.000 tấn, so với 2,2 triệu tấn dự báo hồi tháng 2, do nhiều nước đang phát triển - nhập khẩu đường - hạn chế cả mức tiêu thụ cũng như nhập khẩu đường khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục. Các công ty đường Ấn Độ đẩy nhanh sản xuất với hy vọng chính phủ sẽ mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu đường của nước này trong bối cảnh giá đường thế giới tăng do lượng tồn kho giảm sút tại các khu vực khác. Sản lượng đường của Ấn Độ niên vụ 2005/06 ước đạt 19 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ vào khoảng 18 triệu tấn dự đoán sẽ không thay đổi nhiều.
                 Đến tháng 10, tình trạng thiếu đường kéo dài suốt 3 niên vụ gần chấm dứt, bởi sản lượng đường thế giới niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10, sẽ cân đối, thậm chí vượt mức tiêu thụ mặc dù sản lượng của Liên minh châu Âu giảm (do bị cắt giảm trợ cấp).
              Nguồn cung đường thế giới đang tăng lên. Nhiều nước dự báo sản lượng mía và đường quốc gia năm nay sẽ tăng mạnh so với năm ngoái. Kết quả là xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng lên, và nhập khẩu sẽ giảm xuống. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường thế giới sẽ dư thừa khoảng 1- 3 triệu tấn đường trong niên vụ 2006/07, bởi sản lượng sẽ đạt khoảng 154,37 triệu tấn trong niên vụ 2006/07 trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 151,04 triệu tấn.  ISO dự báo sản lượng của Braxin và Ấn Độ sẽ tăng lên, của Thái Lan, Trung Quốc và Đông Âu sẽ hồi phục, nên sản lượng trên toàn cầu sẽ gần tương ứng với mức tiêu thụ. Tuy nhiên, sản lượng của Liên minh châu Âu sẽ giảm xuống. Mức thiếu hụt đường thế giới sẽ giảm dần trong hai năm tới, vì sản lượng của Braxin và Ấn Độ, những nước sản xuất hàng đầu thế giới, sẽ không ngừng tăng lên. Dự báo sản lượng sẽ bắt kịp nhu cầu vào khoảng 2007-2009, thậm chí có thể có dư chút ít, vì sản lượng của Braxin sẽ tăng khoảng 8%-9% mỗi năm, và sản lượng của Ấn Độ sẽ đủ cho nhu cầu nội địa.
           Ấn Độ sẽ nổi lên thành nước xuất khẩu đường lớn trong năm 2006/07, với sản lượng dự kiến đạt kỷ lục cao, 22,7 triệu tấn, tăng 19,4 triệu tấn so với niên vụ 2005/06 và 13 triệu tấn so với niên vụ 2004/05. Với trên 1 tỷ dân, nhu cầu tiêu thụ đường của thị trường nội địa Ấn Độ ước tính đạt 19 triệu tấn/năm, tức là có dư 3,5-4 triệu tấn để xuất khẩu. Giá đường cao khích lệ nông dân Ấn Độ tăng cường trồng mía thay vì lúa gạo và lúa mì. Một số thương gia dự báo chính phủ Ấn Độ sẽ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu đường trắng vào tháng 10 tới. Một khi đã trở lại, Ấn Độ sẽ trở thành nước xuất khẩu đường tích cực.
            Sản lượng đường Trung Quốc, nước sản xuất lớn thứ 2 ở châu Á, dự báo sẽ tăng mạnh trong niên vụ tới, thêm 15% so với niên vụ trước, lên 11,1 triệu tấn, so với 8,8 triệu tấn niên vụ 2005/06. Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã phải bán đường dự trữ ra để bình ổn giá. Nhập khẩu đường vào nước này năm 2007 dự kiến sẽ đạt khoảng 1 triệu tấn, mặc dù tiêu thụ chất ngọt làm từ ngô gia tăng sau khi giá đường tăng quá cao hồi đầu năm. Tiêu thụ đường của Trung Quốc năm nay sẽ tăng khoảng 3% so với năm ngoái. Khả năng tiêu thụ đường của nước này sẽ tăng từ 11,8 triệu tấn năm 2005 lên 13,8 triệu tấn vào năm 2010 và khoảng 16 triệu tấn vào năm 2015. Sản lượng mía và củ cải đường dự kiến tăng lên, xong sản lượng đường nước này năm 2010 sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, bởi tiêu thụ tăng nhanh hơn so với sản lượng. Trung Quốc có thể sẽ phải nhập khẩu 2,5 triệu tấn đường vào năm 2010 và 4 triệu tấn vào năm 2015.
             Sản lượng của Thái Lan cũng sẽ tăng từ 4,8 triệu tấn lên 5,8 - 5,9 triệu tấn, của Indonexia sẽ tăng tới 2,3 triệu tấn, so với 2,25 triệu tấn năm trước. Thời tiết tốt cho vụ mùa củ cải đường sẽ làm tăng sản lượng ở khu vực Tây và Trung Âu. Kết quả khảo sát mới nhất ở Đức và Pháp cho thấy năng suất đường củ cải ở những nước này trong niên vụ 2006/07 sẽ cao hơn mức trung bình của 5 năm, mặc dù thấp hơn so với kỷ lục cao của năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng của EU sẽ có ảnh hưởng chút ít tới cung đường toàn cầu. Những số liệu về sản lượng đường của EU hiện có ảnh hưởng đôi chút tới cán cân thương mại đường toàn cầu, vì hầu hết lượng dư thừa sẽ vẫn nằm ở EU do những hạn chế xuất khẩu mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra.
               Thị trường đường thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Braxin. Nhu cầu đối với ethanol nhiên liệu sản xuất từ mía Braxin sẽ đóng vai trò lớn cho việc xác định giá đường thế giới.  Dự báo giá đường sẽ biến động mạnh trong những tháng tới còn do sự tham gia của các quỹ đầu tư. Giá dầu thô thế giới tăng cao trong năm nay đã khuyến khích mối quan tâm của quốc tế đối với các nhiên liệu sinh học thay thế sản xuất từ các nguồn có thể thay mới, trong đó có ethanol - sản phẩm được chưng cất từ mía tại Braxin. Braxin hiện có ngành sản xuất ethanol phát triển mạnh và đang thúc đẩy xuất khẩu ethanol. Khoảng ½ trong khối lượng mía của Braxin được phân bổ để sản xuất ethanol. Năm 2006, Braxin có xu hướng sản xuất một khối lượng đường và ethanol đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, mức tiêu thụ lớn đối với ethanol đang đặt ra rất nhiều áp lực và mối quan tâm vào thị trường đường kỳ hạn và cả giá đường giao ngay.
              Dự báo trong tài khoá 2007, giá đường châu Á sẽ giảm xuống bởi sản lượng đường của nhiều nước trong khu vực tăng lên, trong khi nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này giảm xuống. Indonesia - nước tiêu thụ đường lớn nhất Đông Nam Á- có khả năng giảm một nửa lượng đường nhập khẩu trong năm 2007 nhờ sản lượng đường trong nước tăng lên 2,48 triệu tấn so với 2,24 triệu tấn năm 2005, trong khi tiêu thụ khoảng 2,6 triệu tấn. Pakistan cũng đang có kế hoạch cắt giảm một nửa lượng đường nhập khẩu trong niên vụ 2006/07, nhờ sản lượng đường của nước này dự đoán đạt 3,3-3,5 triệu tấn, tăng 35% so với vụ trước. Nếu chênh lệch giá giữa đường trắng và đường thô tiếp tục vững (khoảng 100 USD/tấn), nhiều nước sẽ vẫn mở rộng xuất khẩu đường tinh luyện, trong đó có Thái Lan và Braxin. Do đó, ngay cả khi xuất khẩu đường trắng của EU giảm sút trong bối cảnh cuộc cải cách cơ chế đường của EU được thực hiện trong năm nay, thì giá đường trắng sẽ vẫn suy yếu.
           Tuy nhiên, giá sẽ không giảm nhiều vì nếu giá đường giảm nhiều, chắc chắn sản lượng đường sẽ thấp đi và các nước sẽ chuyển sang tăng sản xuất ethanol-nhiên liệu sinh học có nhu cầu ngày càng tăng cao, đặc biệt ở Nhật bản, Mỹ và Liên minh châu Âu. ISO dự báo dự trữ đường thế giới niên vụ 2006/07sẽ giảm 1,229 triệu tấn xuống 59,725 triệu tấn, hay bằng 39,8% lượng tiêu thụ toàn cầu, và giá đường thô sẽ trung bình 15-18 US cent/lb trong 6-12 tháng tới. Mặt khác, giá đường thế giới giảm có thể sẽ kích thích tiêu thụ và mua dự trữ. Tuy nhiên, nhiều thị trường nội địa bị cách ly khỏi thị trường thế giới và giá đường thế giới tác động rất ít tới tiêu thụ đường của những nước này (đặc biệt là ở những nước phát triển). ISO cho rằng nếu giá đường thế giới tiếp tục giảm và xuống dưới 9 US cent/lb, nó sẽ lại tăng lên bởi thuế nhập khẩu.
                ISO dự báo dự trữ đường thế giới niên vụ 2006/07sẽ giảm 1,229 triệu tấn xuống 59,725 triệu tấn, hay bằng 39,8% lượng tiêu thụ toàn cầu, và giá đường thô sẽ trung bình 15-18 US cent/lb trong 6-12 tháng tới.
Diễn biến giá đường thế giới:
 
Đầu năm
Cao nhất
Cuối năm
Đường thô (us cent/lb)
11,28
19,30  (3/2)
11,79
Đường trắng, USD/tấn
281,20
497 (3/2)
341,60
 


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường