Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nescafé Plan góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam
11 | 12 | 2017
Ngày Cà phê Việt Nam diễn ra từ ngày 9-11/12/2017 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), với nhiều hoạt động liên quan đến chủ đề “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho hạt cà phê”.

Các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững trong ngành cà phê như Dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì hay các dự án được các doanh nghiệp chủ động triển khai NESCAFE PLAN được đánh giá cao. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá hợp tác công tư là một nhóm giải pháp rất tích cực có tác động đến sự phát triển của ngành cà phê và người nông dân trồng cà phê Việt Nam. 

Hưởng ứng Ngày Cà Phê Việt Nam lần đầu tiên, một chuỗi các hoạt động đã được thực hiện trong đó đáng chú ý có chuyến thăm thực địa hộ sản xuất cà phê bền vững của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các hội thảo chuyên đề: hội thảo “Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây nguyên, Hiệp hội Cà phê -Ca cao Việt Nam (Vicofa) và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức và hội thảo “Mở rộng mô hình hợp tác hiệu quả, liên kết chuỗi và phát triển bền vững - Kinh nghiệm thực tiễn từ ngành cà phê” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp thực hiện cùng Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (VCCB), Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) và Nestlé Việt Nam tổ chức.

Theo các chuyên gia cà phê, mặc dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu được ưa chuộng do giá thành rẻ trong khi chất lượng cà phê Việt Nam được đánh giá không cao, các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, không có quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu chăm sóc.  Bên cạnh đó là tình trạng cây cà phê già cỗi, cũng gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng, và chất lượng hạt cà phê”. 

Dự án hợp tác công tư (PPP Coffee Taskforce) được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì với sự tham gia của các đối tác trong khối tư như: Yara, Bayer, Ba con cò và Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP), nhằm mục tiêu phát triển canh tác cà phê bền vững, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng cho hạt cà phê Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê, đảm bảo môi trường canh tác bền vững với tầm nhìn 20-20-20 đến năm 2020 (tăng 20% năng suất – tăng 20% thu nhập – giảm 20% khí thải nhà kính).

Dự án PPP còn đóng vai trò kết nối với các dự án khác hoạt động trong ngành hàng cà phê với cùng mục tiêu như NESCAFE PLAN, ISLA, dự án nước của tổ chức EDE… nhằm tối ưu sự liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trực tiếp người nông dân canh tác bền vững đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.

Tại buổi thăm thực địa hộ nông dân tiêu biểu, bác Nguyễn Đăng Tỉnh, trong chuỗi liên kết của dự án NESCAFE PLAN tại Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng chiều 8/12/2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã ghi nhận những hiệu quả của dự án thông qua các kết quả thực tế trên vườn: năng suất cao và ổn định đạt gấp đôi năng suất trung bình của ngành, thực hành nông nghiệp bền vững: sử dụng phân vi sinh từ vỏ cà phê, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt 10 năm, tưới tiết kiệm và xem đây là hình mẫu trong hoạt động liên kết chuỗi cần được nhân rộng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Sau 7 năm triển khai dự án Nescafé Plan, Nestlsé đã phân phối trên 20 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh nhằm hỗ trợ bà con nông dân tái canh trên 20.000 ha cà phê già cỗi. Tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững cho hơn 200.000 nông dân, giúp 21.000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, tăng 30% thu nhập cho người dân, tiết kiêm 40% lượng nước, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu…

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được mở rộng hơn nữa nhằm đẩy nhanh hoạt động tái canh cây cà phê cũng như hoạt động đào tạo nông dân.  Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu giống kháng tuyến trùng sẽ được đưa vào hoạt động hợp tác giữa Nestlé và WASI trong năm 2018.

Với tầm nhìn: “Đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới”, dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì cùng các đối tác triển khai từ năm 2010 hướng tới mục tiêu: 20% năng suất tăng - 20% đói nghèo giảm - 20% phát thải giảm tới năm 2020.

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức trong thực hành nông nghiệp bền vững, nhóm PPP ngành hàng cà phê  sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hiệu quả cũng như tăng cường kết nối trong sản xuất cà phê bền vững từ nay tới năm 2020.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường