Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường cà phê
08 | 10 | 2008
Theo nguồn tin Thương vụ tại Việt Nam, tại thị trường Ma-rốc hiện nay cà phê hoà tan đang ngày càng thắng thế trước cà phê rang xay. Sự thay đổi này buộc các doanh nghiệp phải đa dạng hoá chủng loại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các thống kê cho thấy một người dân Ma-rốc trung bình chỉ tiêu thụ 800 gr cà phê mỗi năm trong khi đó các nước láng giềng như Tuy-ni-di là 1,4 kg, Angiêri 3,5 kg mỗi năm.

Số lượng cà phê các loại bán ra đã tăng nhẹ từ năm 2002 đến 2005, từ 18.064 tấn lên 18.588 tấn với nhịp độ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 1%. Tình hình này là do số lượng cà phê rang xay bán ra trên thị trường bị giảm sút . Mỗi năm lượng cà phê xay trên thị trường Ma-rốc giảm 4,5% doanh thu so với các nước Angiêri và Tuynidi. Trong khi đó, việc tung ra thị trường loại cà phê hoà tan lại nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và người tiêu dùng .

Nếu như cà phê hạt vẫn giữ vai trò chủ đạo thì cà phê rang xay (33% thị phần) đã mất dần vị thế trước những công thức cà phê mới. Cà phê hoà tan đã chiếm được 19% thị phần nhờ doanh số bán ra tăng 13%.

Ma-rốc là nước nhập khẩu cà phê xanh nhưng ngành công nghiệp rang xay cũng đang phát triển để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Trên thị trường Ma-rốc có 25 doanh nghiệp sản xuất trong đó 5 DN chính là các tập đoàn: Kraft Foods, Dubois, Bourneix, Nestlé và Cafés Sahara.

Năm 2004, cà phê hạt rang xay chiếm 88% lượng nhập khẩu cà phê của Ma-rốc trong khi chỉ có 8% lượng cà phê tiêu thụ ngay. Tuy nhiên, khối lượng cà phê nguyên liệu nhập khẩu không ngừng giảm sút từ 36.897 tấn năm 2002 xuống còn 26.881 tấn năm 2005 do sự gia tăng chi phí nhập khẩu. Mặc dù vậy, việc giảm về mặt số lượng không có tác động lớn đến giá trị nhập khẩu.

Chi phí nhập khẩu cà phê chưa rang xay đã giảm từ 259 triệu Diham (29 triệu USD) năm 2002 xuống còn 252 triệu DH (28 triệu USD). Từ các nhà nhập khẩu cà phê cao cấp, các nhà rang xay đã dần chuyển sang mua nguyên liệu rẻ hơn chủ yếu từ châu Phi (trên 41% lượng nhập khẩu). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có tổng doanh thu đạt 372,31 triệu DH (41 triệu USD) năm 2004, tăng 8% so với năm trước đó.

Cà phê được tiêu thụ chủ yếu ở 3 khu vực chính: đó là những siêu thị lớn và trung bình, các nhà bán sỉ và khách sạn-nhà hàng. Hệ thống này do các nhà kinh doanh nghiệp chuyên nghiệp phục vụ với kích cỡ bao bì khác nhau.

Có khoảng 25 DN kinh doanh cà phê trên thị trường Ma-rốc trong đó 5 công ty lớn nắm giữ tới 88% lượng sản phẩm bán ra.

Kraft Foods, công ty đa quốc gia nắm giữ 62% thị trường truyền thống gồm cà phê hạt và cà phê xay. Công ty Cafés Sahara đứng ở vị trí thứ hai chiếm 17% thị phần.

Riêng về thị trường cà phê hoà tan, Nestlé chiếm tới 84% với nhãn hiệu Nescafé. Công ty Craft Foods cũng đã bắt đầu tiếp cận thị trường này với 11% thị phần năm 2004. Cà phê đựng trong túi dài nhỏ và cà phê công thức hỗn hợp lần lượt do 2 công ty Lavazza và Nestlé nắm giữ.

Đối với mặt hàng cà phê không rang xay, nguyên liệu đầu tiên trong quá trình sản xuất cà phê thành phẩm, Ma-rốc nhập khẩu chủ yếu từ châu Á và châu Phi (Việt Nam, Inđônêxia và Ghinê). Tuy nhiên, số lượng cà phê nhập khẩu đã giảm sút kể từ năm 2003 do giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng. Do vậy, các nhà rang xay cà phê địa phương đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, chủ yếu từ các nước châu Phi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2006, Việt Nam đã xuất được 3706 tấn cà phê sang Ma-rốc với tổng trị giá 4 triệu USD. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường này.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường