Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà xuất khẩu gia vị GTGT Ấn Độ kịch liệt phản đối áp giá sàn nhập khẩu hạt tiêu
12 | 03 | 2018
Các nhà xuất khẩu gia vị GTGT cao tại Ấn Độ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và có thể phải chuyển sang các nước khác khi Ấn Độ áp giá sàn nhập khẩu (MIP) đối với hạt tiêu từ tháng 12/2017, theo cảnh báo tại Hội nghị các nhà xuất khẩu gia vị toàn Ấn Độ (AISEF).

Các thành viên của AISEF cho biết các nhà xuất khẩu đã thua lỗ gần 8 – 12 triệu USD trong 3 tháng vừa qua, khiến các nhà xuất khẩu các sản phẩm gia vị GTGT cao cân nhắc chuyển địa điểm. Xuất khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ cũng có thể giảm 50% trong năm tài khóa hiện tại do Ấn Độ phần lớn tái xuất hạt tiêu sau khi gia tăng giá trị. Chính phủ trung ương Ấn Độ đã phê chuẩn đề xuất của Hội đồng Gia vị về áp giá sàn nhập khẩu 500 Rupees/kg, CIF, dựa trên các báo cáo cho rằng hạt tiêu nhập khẩu giá rẻ đã gây áp lực giảm giá lớn lên thị trường nội địa.

Ấn Độ là nước tiêu dùng hạt tiêu lớn nhất thế giới và là nước sản xuất hạt tiêu lớn thứ hai thế giới, sau Việt Nam. Giá hạt tiêu Ấn Độ thường cao hơn giá trung bình thế giới. “Giá sàn đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân Ấn Độ, nhưng lại dẫn đến việc cấm nhập khẩu tất cả các loại hạt tiêu. Đặc biệt, chính phủ ban hành chính sách này mà không thảo luận với toàn ngành, khi nhiều nhà nhập khẩu hạt tiêu để gia tăng giá trị và xuất khẩu 100% lượng hạt tiêu sau khi chế biến sâu. Nhằm cạnh tranh với giá thế giới, chính phủ Ấn Độ đã cung cấp cho các nhà xuất khẩu nhiều lựa chọn hoạt động thông qua SEZ, EOU và thỏa thuận cấp phép đặc biệt (ALA). EOU và SEZ thuộc trách nhiệm của các cơ quan hải quan”, theo ông Prakash Namboodiri, chủ tịch AISEF cho biết.

Chính sách trên không phân loại các loại hạt tiêu khác nhau hoặc xác định các hạn chế nhập khẩu nhằm vào tiêu dùng nội địa hoặc giao dịch trên thị trường nội địa. “Ấn Độ không còn là nhà xuất khẩu hạt tiêu thô, mà là nhà xuất khẩu hạt tiêu giá trị gia tăng cao, trong khi Việt Nam mới chỉ là nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng hóa. Hiện là trung tâm chế biến hạt tiêu thế giới, các nguồn cung hạt tiêu phải phụ thuộc vào Ấn Độ để tiêu thụ nguồn cung hạt tiêu thô chính là lợi thế của Ấn Độ”, ông nhấn mạnh. “Ngành công nghiệp chế biến hạt tiêu của Ấn Độ trở nên kém cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

Hạt tiêu luôn luôn được xuất khẩu gộp với các loại gia vị chế biến khác từ Ấn Độ và hiếm khi xuất lẻ từng loạt gia vị. Các khách hàng ưa chuộng mua cả giỏ gia vị từ một nước cung cấp đơn lẻ. “Chúng tôi nhận thấy rằng các nhà xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang cố gắng thu mua các loại ớt từ Trung Quốc để tạo nên giỏ hàng hóa gia vị xuất khẩu”, ông Namboodiri cho hay. Liên quan đến các cáo buộc cho rằng hạt tiêu nhập khẩu được tiêu thụ trên thị trường nội địa, ông Namboodiri cho rằng các sản phẩm chế biến dựa trên nguồn hạt tiêu nhập khẩu được xuất khẩu 100% do hàng hóa có GTGT cao này mang lại nguồn ngoại tệ lớn.

“Hạt tiêu nhập khẩu được phép với điều kiện phải tái xuất trong vòng 120 ngày. Hoạt động tạm nhập tái xuất này được hải quan kiểm soát và theo dõi chặt chẽ. Đáng nhẽ, chính phủ đơn giản chỉ cần giảm lượng 2.500 tấn hạt tiêu nhập khẩu thông qua FTA và hạn chế bất cứ hoạt động nhập khẩu hạt tiêu nào của các thương nhân không đăng ký”, ông khuyến nghị. Các thành viên AISEF cũng cho biết thêm rằng chính sách giá sàn nhập khẩu không mang lại kết quả giúp tăng giá hạt tiêu nội địa, mà còn dẫn tới giảm giá hạt tiêu nội địa thêm 40 Rupees/kg và tăng hoạt động nhập khẩu hạt tiêu của các thương nhân không đăng ký.

Theo Financial Express (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường