Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ecuador triển khai chiến lược Đối tác tôm bền vững để cạnh tranh với Ấn Độ
15 | 03 | 2018
Một sáng kiến do ngành thủy sản Ecuador khởi xướng nhằm mục tiêu cải thiện uy tín của nước này là một nguồn cung tôm an toàn và bền vững.

Chiến lược Đối tác tôm bền vững (SSP) được triển khai bởi 7 thành viên sáng lập từ Ecuador vào ngày 12/3/2017 tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. SSP là một cơ chế chứng nhận dựa trên các tiêu chuẩn của Aquaculture Stewardship Council (ASC), nhưng với sự mở rộng cho chất lượng nước, khả năng truy xuất nguồn gốc và sử dụng kháng sinh. “Chúng tôi là một nhóm các công ty hàng đầu, chia sẻ một tầm nhìn: đưa hoạt động sản xuất tôm trở nên sạch, ổn định và thành công. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi phải đặt ra một kế hoạch rõ ràng và tham vọng để thúc đẩy toàn ngành lên một tầm cao mới”, theo các công ty tham gia hình thành SSP tuyên bố trong một thông cáo chung. “Các thành viên SSP đều cam kết đạt tiêu chuẩn ASC. Tiêu chuẩn ASC được thừa nhận rộng rãi là cơ chế chứng nhận khắt khe và khó nhất, chúng tôi không chỉ cam kết đạt chứng nhận ASC mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn trong SSP”.

Mục tiêu chính của các công ty Ecuador tham gia vào sáng kiến này là nhằm tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm tôm Ecuador trên thị trường Mỹ, nơi Ecuador đang trong cuộc chiến về giá với Ấn Độ và các nước châu Á khác, theo Karina Amaluisa, ủy viên thương mại của Ecuador tại Văn phòng thương mại Ecuador tại New York. Ecuador hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ, sau Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. “Các đối thủ cạnh tranh từ châu Á, dẫn đầu là Ấn Độ, chào bán sản phẩm với giá thấp hơn một chút, nhưng chất lượng sản phẩm không bằng tôm Ecuador”, theo bà Amaluisa nhận định. “Ngành tôm Ecuador đang tìm cách thúc đẩy chứng nhận này bởi nhiều công ty đã bắt đầu triển khai các sáng kiến liên quan đến khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và loại bỏ việc sử dụng kháng sinh, và chúng tôi nghĩ điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho tôm Ecuador”. Bà Amaluisa cho biết thêm mặc dù không bao gồm trong các tiêu chuẩn chính thức, ngành tôm Ecuador đặt ra các tiêu chuẩn lao động và xã hội cao.

José Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của Văn phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia từ Ecuador, việc triển khai SSP là một bước ngoặt. “Cho đến thời điểm này, ngành tôm là một thị trường hàng hóa và chất lượng thường bị đặt sau giá cả”, ông Camposano nhận định. “Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay muốn có nhiều lựa chọn. Người tiêu dùng quan tâm tới họ đang ăn gì và làm thế nào thực phẩm đó được sản xuất, và đây là thời điểm họ được cung cấp lựa chọn tôm nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất và có thể truy xuất nguồn gốc tới tận cùng”.

Tiêu chuẩn mới này bao gồm cấm tuyệt đối sử dụng kháng sinh, một động thái mà Michael Gilmore, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm Harvard và nhà nghiên cứu cơ bản trong Chương trình Kháng kháng sinh của Harvard, đánh giá cao. “Mức độ cam kết này của ngành tôm Ecuador trong xóa bỏ kháng sinh trong sản xuất thực phẩm là một bước quan trọng trong bảo vệ lợi ích của thuốc chúng ta sử dụng và giảm khả năng lan rộng kháng kháng sinh. Đây là hướng đi mà chúng ta cần thực hiện tại tất cả các ngành thực phẩm”.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, SSP cũng đặt mục tiêu tạo ra một thảo luận bàn tròn về tính bền vững trong ngành tôm; dẫn đầu một chương trình rộng khắp, hướng đến các trang trại nuôi quy mô nhỏ và vừa tại Ecuador; và thúc đẩy nhận thức người tiêu dùng về sự khác biệt chất lượng của tôm Ecuador.

Ban đầu, World Wildlife Fund, IDH Sustainable Trade Initiative, và ASC sẽ đều có đại diện trong ban tư vấn của SSP. Jason Clay, phó chủ tịch cấp cao của WWF về các thị trường và thực phẩm, cho biết tổ chức của ông ủng hộ tầm nhìn của SSF. “SSF có những mục tiêu rất tham vọng”, ông Clay nhận định. “Đạt tiêu chuẩn ASC và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc toàn diện không hề đơn giản nhưng nhận thức của họ về điều gì cần thay đổi trong bối cảnh thị trường thực phẩm hiện nay khiến họ trở nên khác biệt và sẽ có tác động lên toàn ngành thủy sản”.

Sự ra đời của SSP cũng thu hút sự chú ý của Center for Science in the Public Interest , một tổ chức vận động người tiêu dùng phi lợi nhuận, chuyên vận động cho các thực phẩm lành mạnh và an toàn. Phó giám đốc CSPI về các vấn đề pháp lý Sarah Sorscher cho biết nhóm sẽ thúc đẩy một “cuộc đua tới đỉnh trong các tiêu chuẩn môi trường và xã hội”.

SSP mời bất cứ công ty hoặc khu vực nào “chia sẻ cùng tham vọng và có thể đáp ứng các tiêu chí sản xuất” đều có quyền nộp hồ sơ để gia nhập tổ chức này.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường